“Trong tái cấu trúc tập đoàn kinh tế nhà nước, phải bằng mọi giá tránh cái vết xe đổ là đánh đổi tăng trưởng bằng bất ổn kinh tế vĩ mô.
Ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ là câu chuyện ngắn hạn, mà nó là tiền đề cho phân bổ hiệu quả nguồn lực” – chuyên gia Võ Trí Thành.
Xung quanh vấn đề tái cấu trúc tập đoàn kinh tế nhà nước, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM).
Thời điểm thích đáng
Xin hỏi ông một câu hỏi khái quát: Vì sao lại phải có cuộc tái cấu trúc tập đoàn kinh tế nhà nước (từ đây gọi tắt là tập đoàn)? Bởi tập đoàn cũng chỉ mới thí điểm thành lập được non chục năm?
Cái lý do lớn nhất của mọi quá trình tái cơ cấu là do sự chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam nói chung, theo kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập. Trong hơn hai chục năm qua, cái dòng ấy vẫn là dòng cơ bản, tuy nhiên nó gập ghềnh, khúc khuỷu, có thể do ý thức hệ, lợi ích, hiểu biết và cả kinh nghiệm.
Trong quá trình đó, nói kinh tế thị trường không có nghĩa là phủ nhận vai trò của nhà nước, nhưng gắn với hệ tư tưởng, gắn với trình độ phát triển, khả năng, kinh nghiệm, và ngay cả lợi ích, hiểu theo cả hai nghĩa tốt và xấu, thì vai trò nhà nước được xác định khác nhau ở những nền kinh tế khác nhau. Từ đó, mới có vai trò nhà nước tương đối mang tính thị trường cao hơn ở một số nước, hay nhà nước có tính can thiệp sâu hơn vào nền kinh tế ở những nước khác.
Trong việc chuyển đổi vai trò này, vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nói chung, là câu chuyện rất đáng bàn, theo cả hai nghĩa.
Thứ nhất, vai trò của DNNN ở những lĩnh vực nào, và quan trọng đến mức độ nào.
Thứ hai, bản thân DNNN đã tồn tại trước khi nền kinh tế bắt đầu chuyển đổi, theo những hình thức khác nhau. Ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 2000 đã hình thành tư tưởng về tập đoàn, thậm chí còn trước đó, khi vào đầu những năm ’90 ra đời các tổng công ty 91 (ra đời theo Quyết định 91 của chính phủ).
Ý tưởng này gắn với việc muốn khẳng định vai trò của kinh tế nhà nước, và quan trọng hơn những người chủ trương việc này có ý nghĩ là muốn làm ăn lớn thì chỉ DNNN, hay nói rõ là tổng công ty lớn, hay tập đoàn, mới đủ sức làm được, nhất là trong khía cạnh hội nhập. Ta sợ phải cạnh tranh với các tập đoàn lớn của nước ngoài khi chúng ta “thị trường hơn”, hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới.
Đó là còn chưa nói tới một vai trò quan trọng khác là hy vọng các DNNN lớn, các tập đoàn sẽ “đi đầu”, “dẫn dắt” về hiệu quả, công nghệ, trình độ quản lý…
Hy vọng thì lớn, song ngay từ đầu, ta cũng tính tới rủi ro nên mới làm thí điểm. Tức là chọn 2-3 DNNN lớn để làm trước, rồi giám sát, tổng kết kinh nghiệm, sau đó, nếu hay, thì mới mở rộng ra, và như vậy có sai, tổn thất cũng nhỏ hơn rất nhiều. Ngay cả bây giờ nhiều số liệu, tình hình tập đoàn chúng ta nắm cũng không phải là đúng, và đầy đủ.
Nhưng làm cái này, chúng ta lại gặp phải một bản chất khác của người Việt – làm gì cũng mang tính phong trào. Thế là chưa có tổng kết nghiêm túc mà có tới hơn chục tập đoàn được thành lập, và hoạt động “hoành tráng” như thật rồi. Giai đoạn này chủ yếu diễn ra trước và sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cùng với việc gia nhập WTO, với sức ép hội nhập với thế giới ngày càng mạnh hơn, cùng một lúc hay với lộ trình ngắn hơn, mô hình tăng trưởng của Việt Nam cùng với những động lực của nó đã phát triển “tới hạn”, với những bộc lộ căn bản nhất là yếu kém và lãng phí nguồn lực. Và trong cái “tới hạn” đó, DNNN, nhất là tập đoàn, lại càng bộc lộ cái kém hiệu quả.
Cái bộc lộ đây thể hiện ở bản chất cố hữu gắn với sở hữu nhà nước, đó là “xung đột lợi ích” và “rủi ro đạo đức”. Và đặc biệt khả năng của DNNN trong việc chống đỡ với những cơn bão trong nước và thế giới về môi trường kinh doanh, và đặc biệt là khủng hoảng toàn cầu, dẫn tới khủng hoảng thị trường nước ngoài, bất ổn vĩ mô trong nước.
Vì vậy, đây là thời điểm càng cho thấy sự thích đáng phải tiến hành tái cơ cấu khu vực DNNN, các tập đoàn. Cụ thể hơn:
- Thứ nhất, vì chúng ta thấy rõ nhất yếu kém của cả nền kinh tế và khu vực DNNN, rõ nhất là tăng trưởng chỉ không phải là “giả” mà kém hiệu quả, thể hiện qua các chỉ số năng suất về vốn, các nhân tố tổng hợp (TFP); trong khi nguồn lực đổ ra thì ngày càng nhiều hơn.
- Thứ hai, là vấn đề nhìn nhận vai trò tập đoàn trong nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, hiện còn chứa đựng khá nhiều tranh cãi. Nhưng, nói gì thì nói, đa số ý kiến đều cho rằng, cách nhìn tập đoàn như một công cụ điều tiết vĩ mô là không ổn; chưa nói tới cái giá để làm việc đó.
Vậy điểm lại những mong muốn khi thành lập tập đoàn, chúng ta thu được những gì?
Cũng có kết quả và bài học tích cực, song nhìn tổng thể, kết quả là thấp, nếu không muốn nói là trên không ít khía cạnh là đáng thất vọng, so với kỳ vọng.
Chúng ta muốn tập đoàn có khả năng cạnh tranh cao hơn, kết quả là sự tụt giảm.
Chúng ta muốn tập đoàn có vai trò dẫn dắt về chuyển giao công nghệ, về năng lực quản trị, thì cũng tập đoàn không thể hiện được.
Chúng ta muốn tập đoàn góp phần bình ổn kinh tế vĩ mô, cũng không làm được, thậm chí có khi còn làm “rối’ hơn.
Ông giải thích rõ hơn tập đoàn không bình ổn được kinh tế vĩ mô?
Những yếu tố quan trọng nhất liên quan đến ổn định/bất ổn kinh tế vĩ mô là chính sách vĩ mô như chính sách tiền tệ, tài khóa, mức độ lành mạnh của hệ thống tài chính, ngân hàng, điều rất phụ thuộc vào khả năng điều tiết, giám sát tài chính. Chứ câu chuyện chính không nằm ở việc sử dụng “công cụ doanh nghiệp, tập đoàn”.
Thứ nhất, bởi doanh nghiệp, tập đoàn dễ bị lợi ích vi mô chi phối.
Thứ hai là sức mạnh chưa đủ. Mà kể cả sức mạnh đủ, thì tổn phí rất cao. Mà trong kinh tế thì ta biết, vấn đề không phải không làm được, mà vấn đề làm với giá nào.
Thứ ba là nó làm cho trách nhiệm và hiệu quả của tập đoàn dễ bị giảm. Bởi anh làm cả kinh doanh lẫn công ích, mà ai rạch ròi được đâu là kinh doanh, đâu là công ích.
Ví dụ, VNPT hồi còn giữ bưu chính, họ có thể nói là phần kém phát triển là họ phải bù cho bưu điện, làm trách nhiệm xã hội.
Hơn nữa, nhiều nghiên cứu gần đây cũng kết luận rằng tập đoàn không đóng góp đáng kể vào việc giảm nhiệt lạm phát, và trong không ít trường hợp nó làm tăng độ dao động của lạm phát.
Tránh vết xe đổ
Trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tập đoàn, theo ông, điều gì cần phải lưu tâm nhất?
Chúng ta phải bằng mọi giá tránh cái vết xe đổ là đánh đổi tăng trưởng bằng bất ổn kinh tế vĩ mô. Ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ là câu chuyện ngắn hạn, mà nó là tiền đề cho phân bổ hiệu quả nguồn lực – đó cũng là bản chất của tái cấu trúc kinh tế, trong đó có tập đoàn, DNNN.
Điểm nữa, đây là vấn đề rất tổng thể, liên quan đến đổi mới tư duy phát triển và cải cách, ý chí chính trị, chương trình hành động, và kế hoạch triển khai. Chỉ có như vậy, tái cấu trúc nền kinh tế, tập đoàn mới hiện thực hóa. Bởi vì, vấn đề này động chạm đến nhiều người, nhóm lợi ích, và nhiều nguồn lực.
Lần tái cấu trúc DNNN, nhất là tập đoàn này, vai trò chủ sở hữu của nhà nước được nhìn nhận thế nào và đâu là những trọng điểm?
Cải cách DNNN, tập đoàn gắn với vấn đề minh bạch hóa, nhìn nhận lại vai trò chủ sở hữu nhà nước. Nói về DNNN, tôi muốn nhắc lại là chúng ta không bao giờ giải quyết dứt điểm được 2 vấn đề: xung đột lợi ích và rủi ro đạo đức.
Doanh nghiệp tư nhân khi phát triển (như công ty cổ phần) cũng có thể phát sinh hai vấn đề này, song ít nghiêm trọng hơn sơ với ở DNNN. Bởi vì sao? Tư nhân tiền của cá nhân họ, còn DNNN thì chủ sở hữu chỉ mang tính đại diện, và tiền là của “chùa”.
Chính vì vậy, xử lý bài toán đại diện, gắn với việc nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm, và khả năng giải trình cùng giám sát là điểm cốt lõi để hạn chế/giảm thiểu những “lệch lạc” có tính cố hữu của sở hữu nhà nước.
Thứ nữa là việc xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả, cả trước mắt và xu thế cùng xây dựng năng lực quản trị theo những thông lệ tốt nhất có thể.
Thứ ba là tái cấu trúc lại từng tập đoàn một, trong đó có nhiều vấn đề như con người, tổ chức, thoái vốn, cổ phần hóa, mua lại – sáp nhập (M&A), thậm chí cho phá sản rồi tạo dựng mới… Không ít vấn đề ở đây có liên quan đến đầu tư công và ngân hàng, như nợ xấu. Sở hữu chéo cũng làm tăng tính phức tạp của quá trình tái cấu trúc tập đoàn.
Hiện đâu là những ý kiến tranh cãi chính xung quanh câu chuyện tái cấu trúc DNNN, tập đoàn?
Trước hết là vấn đề vai trò chủ đạo hay không chủ đạo của kinh tế nhà nước, hay vai trò nòng cốt hay không nòng cốt của DNNN, của các tập đoàn.
Hay cụ thể hơn, có nên coi DNNN, nhất là tập đoàn, là một công cụ để khi cần thì dùng để bình ổn kinh tế vĩ mô không? Hay khi cần bình ổn kinh tế vĩ mô, chúng ta chỉ nên áp dụng những chính sách, công cụ khác.
Cũng có ý kiến cho rằng trong thời gian nào đó, ít nhất là trong ngắn hạn và trung hạn, cũng có thể nhìn nhận vai trò nòng cốt của DNNN, tập đoàn, nhưng giới hạn trong một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như an ninh, quốc phòng,….
Khía cạnh kinh tế chính trị và tiến trình, bước đi cũng được “mổ xẻ” nhiều. Bởi nó đụng chạm vấn đề tiền nong (thường rất lớn), con người (rất nhiều), rồi hàng loạt lợi ích đằng sau.
Vậy tái cơ cấu tập đoàn sẽ đi theo hướng nào? Quả thực, nghe ông nói, tôi thấy mông lung quá.
Cho đến nay cách làm về cơ bản là dựa vào một hướng dẫn chung, từng tập đoàn đề ra cách thức, trình tự điều chỉnh/cải cách của mình để có được sự chấp thuận cấp trên. Về cơ bản, đó là cách tái cấu trúc từ dưới lên (bottom-up).
Nhưng có một số ý kiến lại cho rằng cách làm như vậy là khó có hiệu lực, hiệu quả, vì một số lý do sau:
- Thứ nhất, tập đoàn đã gây ra sự thiếu hiệu quả, hay thậm chí “be bét” (ở một số tập đoàn nhất định), mà nay lại để chính họ tự thay đổi mình thì có hợp lý không?
- Thứ hai, tự tập đoàn họ làm thì có thể thiếu quyết liệt và chậm.
Chính vì vậy, cách làm tốt hơn là phải “ấn” từ trên xuống (top-down), tức là nhà nước với tư cách là ông chủ sở hữu sẽ xem xét và ấn định cách làm. Song ngay “top-down” cũng có rủi ro, nếu không theo những nguyên tắc cơ bản.
Lấy ví dụ về Vinashin. Rõ ràng cách làm chúng ta, nhìn thoáng qua có vẻ là top-down, song chưa chuẩn.
Bởi để cấu trúc lại một doanh nghiệp bên bờ đổ vỡ, đầu tiên chúng ta phải tái cơ cấu lại bảng cân đối tài sản, các khoản nợ (và các chủ nợ). Sau đó, chủ doanh nghiệp (có thể có cũ, mới) định ra chiến lược, cách làm ăn mới để từ đó phát triển lên. Thứ nữa là lập ra bộ máy quản trị và người đứng đầu mới, phù hợp với chiến lược mới.
Cách làm ban đầu trong tái cấu trúc Vinashin là chưa chuyên nghiệp. Các bộ ban ngành cử đại diện vào ban tái cơ cầu Vinashin, và kết quả chưa khả quan; nó không đáp ứng đầy đủ ba nguyên tắc chung nêu trên.
Qui trình top-down trong tái cấu trúc tập đoàn rất quan trọng, vì nó liên quan đến khâu chủ chốt nhất là việc lựa chọn người lãnh đạo gắn với xử lý các vấn đề cốt lõi, chiến lược. Tiếp nữa, nó thể hiện rõ vai trò cùa ông chủ nhà nước, đại diện ở bậc cao hơn, do vậy thúc đẩy cải cách, và tái cấu trúc quyết liệt hơn.
Tất nhiên, vẫn có rủi ro. Câu chuyện Vinashin là một ví dụ.
Ngoài ra, ở Việt Nam thị trường CEO thực sự vẫn chưa hoạt động tốt, và DNNN về cơ bản vấn đứng ngoài thị trường này. Các CEO trong các DNNN phải được luân chuyển theo cơ chế thị trường, và phải dựa theo khả năng để có chế độ đãi ngộ thích hợp.
Có phải tái cơ cấu DNNN, tập đoàn cũng là thu nhỏ vai trò vốn và sở hữu nhà nước?
Đúng thế. Chính vì vậy tôi nói tái cấu trúc DNNN, tập đoàn nằm trong tổng thể là “tái cơ cấu nền kinh tế”. Nhà nước tính toàn làm sao để đồng vốn đầu tư trong xã hội nằm vào những lĩnh vực làm ăn có hiệu quả hơn, rồi công việc cổ phần hóa đến đâu để cho tư nhân tham gia vào có lợi hơn…Và cũng động chạm đấy.
Chúng ta có thể làm được điều này với các DNNN nhỏ. Nhưng, cho đến nay, với các tập đoàn, tổng công ty lớn, thì khó khăn hơn. Và, bây giờ, chúng ta phải thu hẹp vai trò của nhà nước trong các tập đoàn kinh tế. Theo lộ trình tôi được biết, đến 2020 số lượng tập đoàn nhà nước sở hữu 100%, hoặc chi phối, còn ít thôi.
Khoảng bao nhiêu?
Hy vọng đếm trên đầu ngón tay.
Thời gian và tốc độ mới quan trọng nhất
Xin hỏi lại ông, tại sao kể từ Đại hội XI, khi chúng ta đặt quyết tâm tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái cơ cấu tập đoàn, mà bây giờ mới bắt đầu?
Kể từ khi chúng ta khởi động tái cấu trúc lại nền kinh tế với 3 lĩnh vực, đã được một năm rưỡi rồi. Lẽ ra, đã chịu đau rồi, thì cố làm cho kiên quyết. Trên thực tế vẫn còn “dề dà”, người ta có cảm giác rằng dường như vẫn thiếu những quyết định dứt khoát.
Lý do, theo tôi hiểu, có thể là hạn chế về nguồn lực. Hơn nữa, chúng ta đang trong bối cảnh cải cách chính trị. Cũng như gia đình mình thôi, mai tổ chức đám cưới mà hôm nay vẫn lo tranh cãi ai làm việc này, ai làm việc kia, thì làm sao làm được.
Liệu có lý do làm kinh tế đã xuống tới mức thấp quá rồi, nên buộc phải làm như vậy? Chứ còn cách đây 6-7 năm, khi kinh tế chưa có dấu hiệu khủng hoảng chung với thế giới, thì chúng ta cứ yên vị là chúng ta đã làm đúng với tập đoàn, mặc dù lúc đó nhiều chuyên gia, đã cảnh báo về DNNN, nhất là tập đoàn kinh tế, và đặc biệt là Vinashin.
Lý do tổng thể về tái cấu trúc nền kinh tế, DNNN và tập đoàn, ta đã trao đổi ở trên. Xét khía cạnh kỹ thuật, tình hình kinh tế hiện tại là lý do, nhưng tôi nghĩ, đó chỉ là lý do thứ hai. Sự chậm chạp của quá trình này còn do là vẫn đặt nặng ý định bảo toàn vốn. Trong thời buổi kinh tế thế này, giá trị cổ phiếu, cổ phần xuống thấp thế này mà bắt các tập đoàn kinh tế phải thoái vốn trên cơ sở bảo toàn vốn họ bỏ ra là cả một vấn đề. (Cười).
Đành rằng biết thua thiệt rồi, nhưng nếu những đồng vốn còn sót lại được chi tiêu có hiệu quả, thì ta vẫn có cơ hội để đi lên. Và những đồng vốn đó mang lại lợi ích dài hạn hơn cho tổng thể nền kinh tế, thay vì anh cứ để cho giá của nó có thể ngày càng xuống, và quan trọng hơn đồng vốn trở nên vô dụng. Câu chuyện ở đây vẫn là câu chuyện của tư duy.
Vừa rồi, có đoàn đi Indonesia để học về kinh nghiệm của họ trong chống khủng hoảng, xử lý nợ xấu và tái cấu trúc nền kinh tế vào cuối những năm ’90 và đầu ’2000. Một bài học lớn nhất là tính quyết liệt, thời gian và tốc độ mới chính là những yếu tố quan trọng nhất, chứ không phải là cái giá trị đồng vốn cố phải giữ.
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến đó.
Trong quá trình cổ phần hóa, một phần của tái cơ cấu tập đoàn, liệu có khả năng những kẻ trục lợi lại tranh thủ bán rẻ hơn những thứ buộc phải bán rẻ, theo giá thị trường, nhằm mưu lợi cá nhân?
Đúng rồi. Và đó là khâu cũng cần để ý.
Đó thuộc về vấn đề minh bạch, vấn đề giám sát thôi. Nhưng tư tưởng đầu tiên là mình phải chịu khó thoát ra hiệu ứng phụ; những vấn đề khác nảy sinh là vấn đề kỹ thuật, có thể hóa giải, giảm thiểu được, nếu quyết tâm.
Trong câu chuyện tái cơ cấu, cổ phần hóa… tập đoàn, vai trò của khu vực tư nhân có ý nghĩa đến mức độ nào?
Cái cụ thể là khi tập đoàn thoái vốn, cổ phần hóa,… thì ai bù đắp vào chỗ đó? Tư nhân chứ còn ai nữa.
Hơn nữa, tư nhân bỏ tiền vào là để mang lại lợi nhuận cho họ, và nhiều khả năng vốn sẽ được sử dụng hiệu quả hơn.
Ngoài ra, tác động nữa là lòng tin đối với cải cách kinh tế nói chung. Đây là điểm vô cùng quan trọng hiện nay.
Thế có câu chuyện chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân không, trong tái cơ cấu tập đoàn không?
Có, và chúng ta phải hết sức tránh bài học này từ kinh nghiệm một số nền kinh tế chuyển đổi khác. Cho nên, bằng mọi giá phải cải thiện và giữ cho được môi trường cạnh tranh trong nền kinh tế.
Vấn đề minh bạch lại được nhấn mạnh một lần nữa. Chẳng hạn, chúng ta phải chống lại sở hữu chéo, bởi vì nó sẽ gây ra những phức tạp không cần thiết.
Mặc dù Vinashin chưa đạt được 3 nguyên tắc như ông nói, nhưng dù sao họ cũng tái cơ cấu được về khoản nợ 600 triệu đô la bằng trái phiếu, và chính phủ đã đứng ra bảo lãnh, nếu 2025 họ không trả được nợ. Có lẽ nhờ có chuyện đó mà chính phủ mới yên tâm bắt đầu quá trình tái cơ cấu tập đoàn?
Tôi nghĩ với Vinashin dùng chữ “thoát” thì đúng hơn, chứ chưa hẳn là Vinashin đã thực sự cơ cấu lại nợ, (và chủ sở hữu) theo đúng nghĩa. Vấn đề nữa là chiến lược và bộ máy quản trị để thực hiện chiến lược phát triển mới. Thị trường đã hiểu và thấy yên tâm với chiến lược và bộ máy lãnh đạo mới của Vinashin hay chưa?
Thế còn tái cơ cấu của VNPT thì sao?
Theo tôi, VNPT đã thay đổi lãnh đạo, do trên bổ nhiệm, và đó có lẽ là nền tảng tiếp tục những thay đổi tiếp theo.
Nhất là, đầu năm, VNPT đã được tuyên bố không sáp nhập với Mobifone. Đây là quyết định hợp lý xét dưới góc độ cạnh tranh, và đảm bảo thị trường cạnh tranh. Đó là chưa nói sự “se duyên” này, nếu diễn ra, giữa người khỏe (Mobifone) và người đang có phần yếu đi (VNPT), chưa chắc đã là sự “kết hợp hoàn hảo”.
Nhưng VNPT cũng có sự thay đổi từ dưới lên, khi họ hiết lập kế hoạch, chương trình để cùng với thay đổi nhân sự đứng đầu cải tổ lại mình. Tức là có sự kết hợp giữa top-down và cả bottom-up. Có thể đây cũng là cách làm đáng quan tâm trong thực tiễn Việt Nam.
Vấn đề VNPT, tuy họ mới bước đầu tái cấu trúc, ông đã thấy có những điểm gì đáng lưu ý?
Chúng ta hãy để ý là vào giữa những năm đầu tiên của thập niên trước, Viettel đã vượt lên. Hay ông Trần Du Lịch đã nói rằng VNPT hồi còn ôm cả bưu điện thì giống như chiếc xe chở container mà chạy trong ngõ hẹp, có muốn xoay xở cũng không được.
Vì vậy, phải nói sự xuất hiện và lớn mạnh của Viettel, của cạnh tranh, đã làm cho VNPT sáng mắt hơn. Lúc đó, trong đà đi lên và ở vị thế của mình, giữ vai trò chi phối và giữ rất nhiều ưu thế, VNPT đã chủ quan, không thấy sự thay đổi của thời cuộc, với sự bứt phá ngoạn mục của Viettel. Đó là chưa nói tới những đầu tư sai lầm của VNPT nữa.
Nhưng trong hai cái sai đó đều có vai trò của người cầm trịch. Tức là lãnh đạo VNPT đã có phần “xơ cứng”.
Cái này không chỉ ở Việt Nam. Ai mà nghĩ Nokia đã từng đứng đầu thế giới trong điện thoại di động lại có lúc phải “ngả mũ” trước Samsung?
Hay Kodak là hãng đã phát minh ra kỹ thuật ảnh số, nhưng họ lại không sử dụng mà bán phát minh đó đi. Họ đã trở nên “teo top”.
Ông có thể nói gì thêm thay lời kết?
Khi tôi được dịp trao đổi tại chương trình công bố “Top 50 DN kinh doanh hiệu quả nhất 2013″, tôi đã hỏi doanh nghiệp: “Cái bạn sợ nhất khi đứng ở vị trí Number One là gì?”
Câu trả lời là mà tôi thích nhất là: “Tôi sợ khó vượt qua được chính mình.”
Xin cảm ơn ông.
(VNN)