Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII. Theo đó, sẽ có 47 văn bản được soạn thảo, trình ban hành để quy định chi tiết thi hành 13 Luật, Pháp lệnh.
Trong số 47 văn bản trên, có 35 Nghị định, 8 Quyết định, 2 Đề án, 1 Tuyên bố, 1 Pháp lệnh nhằm quy định chi tiết thi hành 13 Luật, Pháp lệnh gồm: Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật giá; Luật phòng chống tác hại của thuốc lá; Luật quảng cáo; Luật tài nguyên nước; Luật biển Việt Nam; Bộ luật lao động; Luật giám định tư pháp; Luật phổ biến giáo dục pháp luật; Luật Công đoàn; Luật giáo dục đại học và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Các Luật này đều có hiệu lực thi hành từ 1/1/2013, trừ Bộ Luật Lao động và Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành từ 1/5/2013; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2012.
Trong số các Luật trên, Luật bảo hiểm tiền gửi sẽ có 2 văn bản hướng dẫn thi hành. Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì soạn thảo và trình 2 văn bản này ngay trong tháng 10/2012.
Đối với Luật biển Việt Nam, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì soạn thảo Tuyên bố của Chính phủ về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải trong Vịnh Bắc Bộ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Đề án xây dựng phương án tổng thể phát triển các ngành kinh tế biển theo quy định tại Điều 43 Luật Biển Việt Nam để Chính phủ trình Quốc hội;…
Đối với Luật giá, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Nghị định về thẩm định giá; Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá, trình trong tháng 10/2012 và tháng 11/2012.
Bộ Luật Lao động sẽ có 11 văn bản hướng dẫn gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của của Bộ Luật Lao động về hợp đồng lao động; về tiền lương; về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động; về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; về tranh chấp lao động; về tuổi nghỉ hưu… Các văn bản này đều do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo.
Luật Giáo dục đại học sẽ có 9 văn bản hướng dẫn như Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học; Nghị định quy định việc đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học; Nghị định quy định cụ thể về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo; Nghị định quy định nội dung, phương pháp xây dựng mức học phí, lệ phí tuyển sinh, khung học phí, lệ phí tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập;…
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu, soạn thảo văn bản; dành thời gian thỏa đáng, bố trí đủ nhân lực và kinh phí cho việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản đảm bảo chất lượng và thời hạn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trước ngày 25 hàng tháng, bắt đầu từ tháng 10/2012, cơ quan chủ trì soạn thảo gửi báo cáo hàng tháng về tình hình, kết quả soạn thảo văn bản được phân công đến Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hoàng Diên (VGP)
Hiện chưa có phản hồi nào.