Trong hai ngày 6 – 7/11, Thủ tướng Nga D.A. Medvedev có chuyến thăm chính thức Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Trước khi đến thăm Việt Nam, ông Medvedev đã cùng các lãnh đạo và nguyên thủ các quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) lần thứ 9 tại Lào. Thủ tướng đã cho Doanh Nhân Sài Gòn biết:
ASEM là một diễn đàn rất độc đáo giúp các nước từ châu Âu, Nam Á và khu vực Thái Bình Dương ngồi lại cùng nhau để thảo luận về mối quan hệ ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, trong đó có nhu cầu hội nhập khu vực ngày càng sâu rộng hơn. Việc Nga gia nhập ASEM vào năm 2010 có một ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với nước Nga và tổ chức này, mà còn có ý nghĩa đặc biệt đối với toàn bộ cấu trúc của các mối quan hệ quốc tế. Sự kiện này giúp chúng ta “kết nối” Á – Âu, hai trung tâm ảnh hưởng lớn về chính trị và kinh tế thế giới.
Thực tế, ngày càng cho thấy rõ sự phát triển bền vững mang tính toàn cầu đòi hỏi một hệ thống các cơ chế hội nhập khu vực tuy độc lập nhưng kết nối với nhau. Ở Tây Âu là Liên minh Châu Âu, dù đang phải đối mặt với một số khó khăn, nhưng vẫn là một đầu tàu phát triển kinh tế quan trọng của thế giới. Ở châu Á cũng có nhiều tổ chức đa phương khác như vậy, trong đó có Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), mà nước Nga đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch.
Hội nghị Thượng đỉnh APEC vừa qua tại Vladivostok (Nga) đã thông qua nhiều sáng kiến, trong đó có sáng kiến của nước Nga liên quan đến an ninh lương thực, phát triển ngành công nghiệp nông nghiệp và ngăn chặn những hoạt động đánh bắt trái phép các nguồn tài nguyên sinh vật biển.
* Chiến lược của Nga đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời kỳ mới sẽ như thế nào, thưa Thủ tướng?
- Nước Nga cũng đang tích cực tăng cường hợp tác nhiều mặt với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó chúng tôi quan tâm tới việc khởi động những dự án liên doanh mới, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao. Riêng đối với Việt Nam, chúng tôi đã phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế cùng quan tâm; hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN – Nga.
Trong chuyến thăm và làm việc của tôi tại Việt Nam lần này, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp để tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực trụ cột như kinh tế, thương mại, năng lượng, dầu khí, hợp tác khoa học – kỹ thuật; thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Năm 2011, kim ngạch thương mại song phương Việt – Nga đạt gần 2 tỷ USD; năm 2012 ước đạt 3 tỷ USD và hai bên dự định nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 7 tỷ USD vào năm 2015.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang hướng đến việc khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan vào đầu năm 2013. Tất cả những hoạt động này đều cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đối với nước Nga.
* Châu Á đang thực sự có tiếng nói trọng lượng hơn trên trường quốc tế. Thủ tướng có thể chia sẻ về chiến lược của nước Nga trong thế kỷ mà châu Á trở thành trung tâm của thế giới?
- Trong thời gian tới, nước Nga sẽ gánh vác một trọng trách lịch sử là đảm bảo một quá trình hiện đại hóa nhanh chóng nền kinh tế của mình dựa trên nền tảng phát triển hài hòa giữa các vùng lãnh thổ. Ở đây, chúng tôi sẽ dành ưu tiên cao cho việc phát triển vùng Siberia và Viễn Đông vì: thứ nhất, trước đây chúng tôi đã không có đủ nguồn lực để đảm bảo cho sự phát triển đầy đủ của hai khu vực này; thứ hai, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển trọng tâm sang phía Đông, nước Nga cần phải đóng góp tích cực hơn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực này là khu vực đang trở thành trung tâm của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đóng góp tới 55% GDP toàn cầu và gần một nửa hoạt động thương mại thế giới.
Để thực hiện trọng trách này, nước Nga cần phải phát triển những hành lang giao thông thay thế. Đất nước của chúng tôi trải rộng trên 1/3 diện tích lục địa Âu – Á, có tiềm năng phát triển giao thông và trung chuyển to lớn. Mạng lưới giao thông của nước Nga tương đối phát triển với tuyến đường sắt xuyên Siberia và Bakal – Amur, có cảng ở tất cả các lưu vực đại dương, cùng với mạng lưới các đường hàng không.
Hiện đại hóa và tự do hóa nền kinh tế có thể dẫn đến sự tăng trưởng đáng kể trong vận chuyển hàng hóa, ít nhất là tăng khoảng 15% giữa châu Âu và châu Á, cũng như giữa châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Tuyến đường sắt xuyên Siberia có khả năng chuyên chở tới 100 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và đây sẽ là con đường ngắn nhất. Các con tàu chở hàng chuyên dụng có thể đi từ Nakhodka tới đường biên giới phía tây của nước Nga trong 9 ngày và đi tới Tây Âu trong vòng hai tuần. Trong khi đó, nếu không qua hệ thống cảng trung chuyển ở Nga, phải mất 35 ngày để chuyên chở hàng hóa bằng đường biển từ các cảng của vùng châu Á – Thái Bình Dương đến Hamburg hay Antwerp.
Sự phát triển của đường Biển Bắc cho phép rút ngắn một nửa chặng đường hiện nay từ châu Âu đến Đông Á qua Ấn Độ Dương mở ra rất nhiều cơ hội phát triển. Mặc dù còn nhiều vấn đề khó khăn liên quan, hàng hóa chuyên chở qua Bắc Băng Dương sẽ tiết kiệm được 30% chi phí so với đi qua Ấn Độ Dương.
Đường hàng không cũng đóng một vai trò mới. Việc bay qua vùng trời của nước Nga và sử dụng mạng lưới các sân bay vùng Siberia sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên, đặc biệt là làm giảm giá thành các chuyến bay từ châu Âu sang khu vực Đông Á, giúp đưa hai khu vực càng trở nên gần nhau hơn.
Nước Nga từ lâu đã sẵn sàng hợp tác cho mục tiêu này. Chúng tôi có kinh nghiệm hàng thế kỷ tại con đường giao thoa của các nền văn hóa và văn minh khác nhau. Không có gì ngạc nhiên khi nước Nga còn được gọi là quốc gia Âu – Á hoặc Âu – Thái Bình Dương. Đây chắc chắn sẽ là một giá trị quan trọng cho việc phát triển đối thoại văn hóa giữa các khu vực và châu lục, cũng như xây dựng một không gian kinh tế chung từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương.
* Xin cảm ơn Thủ tướng!
THU VÂN (DNSG)
Hiện chưa có phản hồi nào.