Hôm 4/6 vừa rồi, phát biểu tại thủ đô Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia Najib Razak dường như đã ngả về phía Bắc Kinh khi kêu gọi các bên tranh chấp ở biển Đông cùng nhau hợp tác khai thác tài nguyên để tránh xung đột và ngăn chặn sự can dự của “những quốc gia ngoài khu vực”. Đây là dấu hiệu không tốt trái ngược với những gì vừa diễn ra ở Shangri-La. Điều này cũng cho thây ASEAN chưa có sự đồng thuận trước thủ đoạn chia rẻ của Trung Quốc.
Không khí của Shangri-la mới đây cho thấy ASEAN đang hiểu nhau hơn và đang cố gắn kết lại để đối phó với sức mạnh bành trướng từ phương Bắc. Bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn này đã tạo thêm quyết tâm cho xây dựng sự đồng thuận những cho khối mà còn cả với các nước lớn. Thực ra, từ lâu nay nhiều nước có chế độ khác biệt của Đông Nam Á chờ đợi Việt Nam tỏ rõ quan điểm đối ngoại của mình. Thông điệp của Việt Nam giúp gỡ bỏ những nghi ngại của một số nước trong khối để xây dựng lòng tin, hướng tới một cộng đồng ASEAN bền vững, có vị thế trên trường quốc tế. Nếu thành công, cộng đồng ASEAN sẽ là một thực thể chính trị, kinh tế đáng vị nể, với quy mô dân số hơn 600 triệu, có nền kinh tế đứng trong Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chưa nói rằng ASEAN đang trỗi dậy với nhịp độ tăng trưởng ngoạn mục.
Tuy nhiên, để xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015 như khối này mong muốn thì trước mắt họ phải vượt qua một số chướng ngại đang làm chậm lại quá trình kết dính của ASEAN. Có thể dễ dàng nhận thấy qua một số vấn đề sau:
Trước hết, trong lịch sử và hiện tại các nước ASEAN có sự lựa chọn chế độ chính trị khác nhau, thậm chí là đối nghịch nhau. Phía bên này Việt Nam, Lào, Campuchia, phía bên kia là các nước còn lại. Sự lựa chọn đó đã đẩy họ vào hai chiến tuyến đối nghịch trong nhiều năm. Tuy rằng, chiến tranh đã đi qua nhưng hệ tư tưởng vẫn chi phối hướng phát triển kinh tế xã hội, làm cho họ kéo dài thêm chuỗi năm tháng xa cách. Mãi đến mới đây, khi 3 nước Đông Dương gia nhập ASEAN thì sự xa cách đó mới được thu hẹp dần (Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, Lào 1997, Campuchia 1999). Từ khi đổi mới đường lối kinh tế, các nước Đông Dương đã hòa nhập chung vào khối. Tuy nhiên, không phải đã hết những trở ngại do phía sau của mỗi phía còn có những thế lực khác đang gia tăng sức ép vì ý thức hệ.
Thứ hai, những xung đột trong quá khứ và hiện tại đã để lại những mặc cảm giữa nhóm quốc gia này, nhóm quốc gia khác, giữa nước này, nước khác chưa phải một sớm, một chiều nguôi ngoai. Chẳng hạn như, sự ăn theo của Thái Lan, Philippines trong cuộc chiến tranh của Mĩ với Đông Dương, mà chủ yếu là với Việt Nam. Chiến tranh biên giới Việt Nam – Campuchia rồi cuộc chiến với Khơ me Đỏ của Việt Nam hỗ trợ cho Campuchia dân chủ kéo dài nhiều năm. Tranh chấp giữa Thái Lan với Campuchia ở Đền Preah Vihear. Những bất đồng về Myanmar trong thập niên 90, khi mà Myanmar áp đặt một chế độ cai trị của quân đội, đàn áp dân chủ. Những tranh chấp về quần đảo Trường Sa với sự dính líu nhiều bên như Việt Nam, Philippines, Bruney, Malaysia…
Thứ ba, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi ở một số nước đã gây nên những bất bình, đặc biệt là mất lòng tin với nhau làm cho những cái bắt tay trở nên lỏng lẻo. Quốc gia nào cũng có lợi ích riêng của mình, nhưng nếu quá cực đoan đến mức bắt tay với kẻ thù cuả nhau và lờ đi lợi ích của đồng minh thì khó có thể đoàn kết với nhau được. Bài phát biểu mới đây tại Shangri-La của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về xây dựng lòng tin không phải chỉ ám chỉ các nước lớn đã làm cho các nước nhỏ nghi ngờ thiện chí của họ mà còn nói rằng, cách ứng xử vị lợi của chủ nghĩa dân tộc cũng làm sa sút lòng tin lẫn nhau trong khối. Campuchia là một ví dụ, họ đã vì lợi ích của mình mà bỏ qua lợi ích của các nước khác về vấn đề Biển Đông và bây giờ là những phát ngôn của Malaysia.
Có thể thấy rất rõ rằng, các nước lớn mà chủ yếu là Trung Quốc và Mỹ đã ngửa bài của họ với các nước ASEAN, họ đã kiềm chế nhau vì lợi ích của họ trong ảnh hưởng với ASEAN chứ không phải vì để bênh vực cho kẻ yếu chống lại sự bất công trong quan hệ quốc tế. Điều đó cho thấy các nước ASEAN cần phải đoàn kết với nhau để tạo đối trọng với nước lớn. Muốn vậy, các nước trong khối phải xóa bỏ mặc cảm quá khứ bằng những hành động cụ thể của từng nước trong quan hệ với nhau.
Xem bài: Việt Nam cần liên minh với ai?
Cho đến nay, những bất đồng nói trên về cơ bản đã được hạ nhiệt. Chiến tranh đã đi qua với khoảng thời gian đủ để lành vết thương. Những cải cách dân chủ ở Myanmar đã đem lại lòng tin về một xã hội vì dân. Những chi phối, ràng buộc của quá trình hội nhập kinh tế thế giới đã buộc các quốc gia dù có khác biệt về chế độ chính trị cũng phải xích lại gần nhau, lệ thuộc vào nhau. Cái còn lại là những tranh chấp lãnh thổ trên bộ, trên biển mà các nước liên quan cần có sự thỏa thuận với nhau trước khi giải quyết vấn đề này với Trung Quốc.
Chỉ có liên kết với nhau xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh thì các nước trong khối mới có được vị thế quốc tế của mình!
Mõ Làng
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)
Xem bài liên quan Đối thoại Shangri-La:
- Đòn đáp trả “nhẹ nhàng” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khiến Trung Quốc nóng mặt *
- Học giả quốc tế nói gì về bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam? *
- ABS-CBNNEWS: Thủ tướng Việt Nam chỉ trích những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ *
- Reuters: Việt Nam kêu gọi đoàn kết khu vực trước các yêu sách biển Đông của Trung Quốc *
- Wall Street Journal: Thủ tướng Việt Nam ủng hộ Mỹ có vai trò lớn hơn trong giải quyết xung đột khu vực *
- Channel NewsAsia: Thủ tướng Việt Nam kêu gọi xây dựng lòng tin chiến lược *
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam sẽ tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ *
- Indonesia: Việt Nam chia sẻ tầm nhìn giải quyết thách thức địa chính trị trong khu vực *
- Dư luận quốc tế hưởng ứng về bài phát biểu của Thủ tướng