Chính phủ vừa gửi tới các Đại biểu quốc hội báo cáo về việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, quá trình soạn thảo Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng năng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh thời kỳ 2013-2020 về cơ bản đã hoàn tất. Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm phê duyệt Đề án để triển khai thực hiện.
Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai thực hiện 3 Đề án đã được phê duyệt tứ tháng 3 – 7/2012 bao gồm: Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015; Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 và Đề án đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường.
52 tập đoàn, tổng công ty đã trình Đề án tái cơ cấu
Liên quan đến việc thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), báo cáo cho biết, đến ngày 22/10/2012 đã có 52 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) xây dựng đề án trình bộ chuyên ngành và Thủ tướng phê duyệt, trong đó có 16 Đề án đã trình Thủ tướng Chính phủ.
23/52 TĐ, TCT đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu; trong đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu của 1 TĐ; các bộ chuyên ngành phê duyệt đề án tái cơ cấu đối với 22 TCT.
Đối với các doanh nghiệp địa phương, có 23 đơn vị đã xây dựng đề án trình UBND các tỉnh, thành phố, trong đó có 21 TCT, công ty đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu.
Khó thoái vốn đầu tư ngoài ngành
Theo báo cáo của các TĐ, TCT, việc cổ phần hoá, chuyển một số đơn vị thành công ty cổ phần đang gặp phải một số khó khăn liên quan đến kiểm toán, xác định giá trị doanh nghiệp, đối chiếu công nợ, đấu thầu chọn tư vấn định giá,… đã làm cho quá trình cổ phần hóa kéo dài hơn tiến độ quy định.
Các đơn vị đã có quyết định cổ phần hóa cũng đang gặp khó khăn về tài chính. Hơn nữa, giá trị cổ phần kém hấp dẫn nên việc cổ phần hóa không đảm bảo được đúng thời gian quy định.
Ngoài ra, việc thoái vốn đầu tư đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành sản xuất kinh doanh rất khó khăn, không bảo toàn được vốn nếu thực hiện thoái vốn trong điều kiện suy thoái kinh tế và tình hình thị trường chứng khoán đang suy giảm.
Ông Vinh cho biết, năm tới, bên cạnh việc yêu cầu và đôn đốc các TĐ, TCT hoàn thiện đề án tái cơ cấu, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện, sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện đẩy nhanh cổ phần hóa, cơ cấu lại danh mục ngành nghề kinh doanh và dự án đầu tư, thoái vốn đầu ngoài ngành để tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính.
Đồng thời, hoàn thiện thể chế công khai, công bố thông tin đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước theo các chuẩn mực tương tự như các công ty niêm yết…
Tường Vi (TTVN).
Hiện chưa có phản hồi nào.