Sàn nhà, cầu thang, bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm đều được tẩy rửa sạch sẽ, láng bóng và thoang thoảng mùi thơm từ dung dịch xịt phòng, tinh dầu hay nến thơm… Các gia đình hài lòng với một không gian sống như vậy bởi sự sạch sẽ, vệ sinh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những thứ làm sạch đó nhẹ có thể gây dị ứng, mẩn ngứa, nặng là làm thoái hóa tế bào, gây ung thư…
Mỗi ngày tiếp xúc 20 hóa chất độc hại
Để tìm hiểu thực tế việc sử dụng các hóa chất gia dụng tại các hộ gia đình, PV Kienthuc.net.vn đã làm một khảo sát nhỏ với 50 hộ gia đình tại khu vực Tây Hồ và Cầu Giấy (Hà Nội) về số lượng và tần suất sử dụng các sản phẩm hóa chất gia dụng hằng ngày. Kết quả cho thấy, có đến 45/50 hộ được hỏi có sử dụng 18/20 loại sản phẩm được nêu, trong đó 37 hộ sử dụng các sản phẩm đó hàng ngày và 8 hộ gia đình khác chỉ sử dụng các sản phẩm tẩy rửa hai hoặc ba lần/tuần.
Chị Nguyễn Thị Thanh (191 Lạc Long Quân, Hà Nội) cho biết, riêng đối với khu vực bếp, ngoài nước rửa bát, nước rửa tay, hằng ngày chị đều phải dùng bột giặt để giặt các loại khăn lau, dung dịch tẩy trắng bếp nấu và tường bếp. Mỗi lần chị lau dọn bằng các hóa chất tẩy rửa nhà bếp, cả nhà lại bịt mũi lắc đầu vì mùi hắc, khó chịu.
Gia đình bà Lê Thu Hoài (42/184 Hoa Bằng, Hà Nội) là một trong số 5/50 hộ gia đình được hỏi chỉ sử dụng khoảng 8 – 13 trong tổng số 20 sản phẩm được liệt kê, chủ yếu là các sản phẩm thiết yếu như bột giặt, dung dịch cọ rửa nhà vệ sinh, xà phòng rửa tay, sữa tắm, dầu… “Gia đình tôi chỉ biết sử dụng các hóa chất này cho nhà cửa sạch sẽ chứ cũng không rõ liều lượng dùng thế nào để an toàn cho sức khoẻ”, bà Hoài chia sẻ
Một khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu Quốc gia về an toàn nghề nghiệp và sức khoẻ Hoa Kỳ (NIOSH) đã đưa ra 884 các loại hóa chất độc hại sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ cá nhân và mỹ phẩm.
Theo đó, chỉ riêng việc vệ sinh cá nhân và trang điểm buổi sáng mỗi người đã tiếp xúc với 24 hóa chất độc hại mà ngộ nhận là an toàn vì thực tế không nguy hại đến tính mạng ngay khi tiếp xúc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thực hiện nghiên cứu này, điều quan trọng nên nhớ là các hóa chất sẽ tích tụ hàng ngày, có thể ngấm trực tiếp qua da và đi vào máu trong cơ thể.
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ Bộ Y tế, khuyến cáo trong các hoạt động hằng ngày mọi người hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Khi giặt giũ hay cọ rửa nhà tắm nên đi găng tay để tránh tiếp xúc với xà phòng hay hóa chất tẩy rửa; khi làm vệ sinh phòng tắm thì nên đóng cửa các phòng khác để mùi hóa chất không bay ra.
Đặc biệt, nếu phun thuốc diệt côn trùng hay tẩy uế trong gia đình chỉ tiến hành khi không có người ở nhà, chú ý nhất tránh cho trẻ con. Xà phòng rửa tay cũng nên chọn những loại có độ pH trung tính để đỡ hại da tay. Sử dụng hóa mỹ phẩm cần hết sức cẩn trọng vì rất có thể gây dị ứng, nhẹ là mẩn ngứa, nặng hơn có thể gây tổn hại, thoái hóa các tế bào.
TS John H. Lawson, Viện Nghiên cứu Quốc gia về an toàn nghề nghiệp và sức khoẻ Hoa Kỳ cảnh báo tác hại của việc lạm dụng các hóa chất tẩy rửa trong gia đình. Trong các dung dịch này có chứa nhiều hợp chất có tác dụng tẩy rửa mạnh nhưng lại có hại cho môi trường và sức khoẻ con người.
Các sản phẩm gia dụng như bột giặt, thuốc đánh bóng nền nhà, sơn và những hóa chất xịt kính, gỗ, kim loại, các loại chất tẩy rửa toilet đều có hóa chất độc hại như amoniac, axit sunfuric, kiềm, chlorine, formaldehyde và phenol… Các hóa chất này bay hơi ở nồng độ đậm đặc và tiếp xúc kéo dài thậm chí có nguy cơ gây ung thư, và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
TS Peter Boyle, Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết, chlorine trong các hóa chất tẩy rửa cũng là chất gây độc nếu nhiễm vào bên trong cơ thể ở liều lượng lớn. Dioxin – một sản phẩm phụ của chlorine – đã được Cơ quan Môi trường Hoa Kỳ (EPA) xác định là một chất có khả năng gây ung thư.
Lê Na (KT)
Hiện chưa có phản hồi nào.