Người dân hầu như ai cũng sợ cán bộ nhà nước bị bệnh “quan liêu”. Bởi ai mắc phải căn bệnh này thì làm việc cho dân rất tắc trách. Làm việc gì cũng không sâu, chỉ đại khái, chạy theo hình thức, xem báo cáo trên giấy, không kiểm tra đến nơi đến chốn, hay nói dễ hiểu hơn là “làm dối, ăn thiệt”. Chính vì mắc bệnh này, mà ông Khương đã làm mất niềm tin với dân, ảnh hưởng đến uy tính của tỉnh Hải Dương qua vụ đốt pháo trong dịp Tết vừa rồi!
Sự việc bắt đầu gây xôn xao khi mà vào những ngày Tết tỉnh Hải Dương đốt pháo dày đặc nhiều tuyến đường. Khi báo chí đồng loạt đưa tin thì ông Hoàng Mai Khương, chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Hải Dương, một mực khẳng định trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng đốt pháo. Còn ông Nguyễn Văn Quế, phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, lại bảo: “Nói chung là giảm rất nhiều so với năm trước”. Chính sự mâu thuẩn này làm cho dư luận thêm xôn xao. Cứ tưởng rằng, sự việc được “bình ổn” khi mà Chủ tịch tỉnh lên tiếng thừa nhận “có đốt pháo”. Vậy mà không phải muốn dập tắt dư luận là dập tắt được ngay. Sau vụ đốt pháo, người ta lại bàn nhau về tư cách, thái độ làm việc của những người vô trách nhiệm với nhiệm vụ được giao.
Là người phát ngôn của UBND tỉnh, thế nhưng ông Khương làm việc rất tắc trách, dẫn đến dối trá. Sự việc sai trái được phanh phui thì ông chối tội bằng cách biện minh rằng: “Theo như thông tin có đốt pháo, nhưng ngày 14/2 (mồng 5 tết) chúng tôi đã tổng hợp báo cáo từ các huyện gửi lên thì không có hiện tượng đó”. Nói như vậy có nghĩa là, ông không đi thực tế, không đi xác thực mà chỉ ngồi … nhận báo cáo từ cấp dưới. Làm việc như thế này liệu có chấp nhận được không?
Dĩ nhiên không được. Người dân, chắc rằng sẽ không một ai chấp nhận lối làm việc vô trách nhiệm như thế của lãnh đạo tỉnh Hải Dương. Điều đáng lên án nhất là, những ngày Tết, tại các cơ quan đều có người trực, vậy mà cán bộ làm việc như thế nào mà để tuyến đường ngay trước trụ sở UBND huyện Bình Giang, xác pháo rải san sát ngay trước hiên nhiều nhà dân, nhiều cửa hàng??? Trước Tết, lãnh đạo nơi đây ai cũng hào hứng hô to khẩu hiệu: “Vui Xuân không quên nhiệm vụ”, vậy mà thực hiện cái “khẩu hiệu” đó như thế này đây?
Đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình, vậy mà lãnh đạo tỉnh Hải Dương, đặc biệt là người phát ngôn còn cố tình phát biểu sai sự thật, che giấu sai lầm và dùng dằn hô hào, đổ trách nhiệm cho người khác. Sự khẳng định của ông đối lập hoàn toàn với ý kiến người dân; sự thật khác hẳn những gì ông nói thì ông có xứng với “chiếc ghế” mình đang ngồi hay không?
Xưa nay, những người lãnh đạo đứng đầu huyện, tỉnh thiếu trách nhiệm với dân, với công việc không phải là ít. Thế nhưng khi đã sai rồi, thay vì nhận sai và sửa chữa để bù đắp lại thì họ lại đẩy đùng trách nhiệm. Như sự việc huyện Tiên Lãng năm nào cũng vậy. Khi lãnh đạo cấp cao trực tiếp điều tra thì những người thiếu tài, đức lại nhốn nhào đùng đẩy trách nhiệm cho nhau. Không ai chịu nhận sai, không ai chịu từ chức cho đến khi luật pháp Việt Nam can thiệp.
Thái độ làm việc, cống hiến thế này thì không thể nào giúp cho dân, cho nước được. Làm việc thế này không khác nào “con sâu làm sầu nồi canh”. Hình ảnh của một vị lãnh đạo như thế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín, bộ mặt chính quyền. Không khéo, người dân lại hiểu nhầm rằng “cán bộ đất nước đều xấu, quan liêu” thì có phải tổn thất cho đất nước rồi không? Vậy mà, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bộ luật nào trừng phạt cán bộ phát ngôn bừa bãi, làm việc tắc trách, không xứng đáng với “chiếc ghế” đang ngồi, làm mất niềm tin của người dân!
Bạn đọc Đào Phong
Hiện chưa có phản hồi nào.