Nguyễn Tấn Dũng » Kinh tế – Chính trị » TP. Hồ Chí Minh tái cơ cấu 4 ngành công nghiệp trọng yếu

Ngành chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất – cao su, cơ khí và điện tử – công nghệ thông tin là 4 ngành cộng nghiệp trọng yếu mà TPHCM sẽ tập trung phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, sự phát triển 4 ngành công nghiệp này của TPHCM vẫn chưa như mong đợi. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tái cơ cấu lại 4 ngành công nghiệp trọng yếu nên được ưu tiên thực hiện trong thời gian tới.

Tái cơ cấu là cần thiết

Thực trạng trong thời gian qua, 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM có sự chuyển dịch mạnh theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Các ngành này đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.

TP. Hồ Chí Minh tái cơ cấu 4 ngành công nghiệp trọng yếu

Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo tái cấu trúc 4 ngành công nghiệp trọng yếu TPHCM trong giai đoạn 2011 – 2020 được Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) tổ chức hôm 15- 8, ông Cao Minh Nghĩa, Phó phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế thuộc HIDS cho rằng, sự phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM vẫn chưa như mong đợi, chỉ số hàng tồn kho toàn ngành công nghiệp tăng cao, quá trình chuyển dịch cơ cấu nội bộ 4 ngành này diễn ra chậm.

Theo khảo sát của HIDS, hiện năng suất lao động của các ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM vẫn thấp. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp phần lớn yếu và trung bình. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bị quá tải; công tác tổ chức thực hiện quy hoạch còn yếu cũng là những trở ngại cho 4 ngành công nghiệp chủ lực của TPHCM phát triển.

Ngoài những nguyên nhân chủ quan, còn có những nguyên nhân khách quan khiến ngành công nghiệp của TPHCM phát triển không như mong đợi là do tác động bởi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trong thời gian qua. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư công kém; tiến độ triển khai thực hiện một số công trình trọng điểm chậm do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm cũng là nguyên nhân làm chậm phát triển các ngành công nghiệp của TPHCM.

Vì vậy, việc tái cấu trúc lại các ngành công nghiệp của thành phố là yếu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Nghĩa, dù khó khăn, nhưng TPHCM vẫn có cơ hội để tái cơ cấu các ngành công nghiệp.

Thực tế, hiện TPHCM là địa phương tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài (trực tiếp và gián tiếp) nhiều nhất cả nước. Các doanh nghiệp sản xuất trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu tiếp nhận công nghệ tiên tiến từ các nước công nghiệp phát triển thông qua những công ty con có trụ sở tại TPHCM. Đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất cho ngành công nghiệp trọng yếu được đào tạo thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ. Thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đã  được mở rộng và phát triển do Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu là những cơ hội lớn để thành phố thực hiện việc tái cơ cấu.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Dù có nhiều thuận lợi để tái cơ cấu lại 4 ngành công nghiệp của TPHCM, phát biểu tại buổi hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để thực hiện thành công, vẫn có những khó khăn nội tại mà TPHCM cần phải vượt qua.

Phương thức sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, trên 70% nguyên vật liệu nhập khẩu với chi phí cao; các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng yếu chưa phát triển là khó khăn lớn để TPHCM thực hiện việc tái cơ cấu.

“Chúng ta không thể tái cơ cấu, nếu ngành công nghiệp phụ trợ vẫn còn ì ạch như hiện nay”, ông Nguyễn Anh Ngọc, nguyên phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM, nói.

Ông Ngọc dẫn chứng, một doanh nghiệp cơ khí ở TPHCM đặt hàng cho một doanh nghiệp ở quận 5 thực hiện một chi tiết máy trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp này. Doanh nghiệp ở quận 5 nhận đơn hàng và gởi e-mail sang cho các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện, chỉ trong vòng 10 ngày, sản phẩm đã được hoàn thành và đưa trở lại thị trường Việt Nam giao cho doanh nghiệp đặt hàng. Với một nền công nghiệp phụ trợ như vậy, TPHCM sẽ gặp khó khăn nhiều trong việc tái cơ cấu 4 nhóm ngành công nghiệp nói trên.

Thực tế chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động 4 ngành công nghiệp trọng yếu còn thấp; chỉ số hàng tồn kho tăng cao; trình độ công nghệ của đa số các doanh nghiệp chỉ đạt mức yếu hoặc trung bình; tốc độ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp diễn ra chậm. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp, công nhân kỹ thuật các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thấp, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu còn thấp; năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu nên chưa chiếm lĩnh được nhiều thị phần trên thị trường tiêu thụ của các nước công nghiệp phát triển.

“TPHCM phải giải quyết tốt những vấn đề này, việc tái cơ cấu các ngành công nghiệp mới thành công”, ông Ngọc nói.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đề nghị cần xem xét, đánh giá lại mức độ sản phẩm trong nước trước sức ép cạnh tranh với các nước ASEAN, Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đặc biệt sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đang gia tăng.

Hiện tại năng suất lao động ngành công nghiệp trong nước thấp hơn các nước trong khu vực, trong khi đó theo lộ trình đến năm 2015 thuế suất trong khu vực sẽ bằng 0%. Điều này tạo sức ép cạnh tranh gay gắt lên các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới.

TBKTSG

Kết bạn với Thủ tướng trên Facebook
Thích và chia sẻ bài này trên Facebook
Tags: Công nghiệp, tái cơ cấu, tai co cau kinh te, TP. Hồ Chí Minh
Share on Link Hay! Share on Facebook! Tweet This!
Ý kiến bạn đọc
    • Tổng bí thư

      Nguyễn Phú Trọng

    • Chủ tịch nước

      Trương Tấn Sang

    • Chủ tịch Quốc hội

      Nguyễn Sinh Hùng

    • Biển đảo Việt Nam

      Trường sa - Hoàng sa