“Nếu nhìn lại 5 năm qua, từ 2008 đến nay, kinh tế đang bước chậm lại, thậm chí có những mặt thụt lùi, khoảng cách so với thế giới và khu vực ngày càng tăng. Khó khăn này không những chi phối kế hoạch năm 2013 mà còn ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch 5 năm”, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhìn nhận.
Đánh giá việc điều hành nền kinh tế của Chính phủ theo các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, theo ông, đã đạt yêu cầu chưa?
Tôi cho rằng, khi nhìn vào sự chuyển động theo hướng tích cực hơn của nền kinh tế, thì có thể thấy sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong điều hành phát triển kinh tế – xã hội. Chính phủ, các bộ, ngành đã bám sát Nghị quyết của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Quốc hội điều hành kinh tế vĩ mô theo hướng ổn định, bền vững và hiệu quả.
Tuy nhiên, để phấn đấu đạt mục tiêu kinh tế – xã hội đã được đề ra cho năm 2013, là rất khó khăn. Tình hình sức khỏe doanh nghiệp chưa cải thiện nhiều, tổng cầu vẫn chưa dừng được xu hướng giảm, sức mua giảm, đời sống giảm, nguồn thu ngân sách giảm, đầu tư toàn xã hội giảm, tín dụng tăng thấp, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp thấp hơn cùng kỳ năm trước… Đây là những vấn đề đáng báo động của nền kinh tế.
Nếu nhìn lại 5 năm, từ năm 2008 đến nay, tốc độ phát triển kinh tế của nước ta đang bị chậm lại, thậm chí có những mặt thụt lùi. Những vấn đề đáng báo động đó không chỉ tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2013 mà sẽ còn tác động cả trong năm 2014, 2015 và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011- 2015.
Nhưng Chính phủ cũng đã tỏ ra rất tích cực đề ra các giải pháp cũng như thúc đẩy việc thực thi các giải pháp để làm ấm lại nền kinh tế?
Đúng là như vậy. Nhưng điều mà tôi nhiều băn khoăn là hầu hết những giải pháp đó nặng về giải pháp tình thế và còn có biểu hiện chạy theo giải quyết những vấn đề nóng, bức xúc, trong khi, những hạn chế của nền kinh tế đã tích tụ từ lâu và kéo dài.
Nền kinh tế đang cần các bước ngoặt đột phá để giải quyết những vấn đề trung hạn, dài hạn, những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế. Chẳng hạn như mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế, thể chế kinh tế cần phải được “tái cơ cấu” ra sao nhưng tất cả những vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, chưa đủ liều lượng.
Điển hình nhất là việc triển khai thực hiện Đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hầu như không có bước đi nào rõ ràng. Đây cũng là một trong những yếu tố làm giảm lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với hành động của các cơ quan chức năng trong quản lý kinh tế vĩ mô. Hệ quả của sự suy giảm niềm tin đã ít nhiều làm nền kinh tế thiếu đi động lực để phát triển.
Có vẻ như tình hình rất đáng để bi quan, thưa ông?
Theo quan điểm của tôi thì cũng không nên quá bi quan. Tuy những khó khăn là có thật, nhưng tôi tin rằng nếu Chính phủ làm rất mạnh, làm rốt ráo với quyết tâm cao thì các chính sách cũng như giải pháp đề ra nhằm tạo chuyển biến cho tình hình kinh tế xã hội sẽ đi vào cuộc sống.
Theo chủ trương, định hướng đã được đề ra thì năm nay sẽ triển khai thực hiện một số việc: giải quyết tồn kho, nợ xấu, bất động sản cũng như giải quyết bước đầu của những chính sách mang tính dài hạn như sắp xếp lại ngân hàng, sắp xếp lại doanh nghiệp, tập đoàn và giải quyết được vấn đề thất thu thuế, giải quyết được vấn đề chính sách thuế…
Nếu làm những công việc này tốt được thì sẽ tạo được động lực mới, tạo được yếu tố mới, những khó khăn dần dần được khắc phục và hy vọng cuối năm nay sẽ có những chuyển biến.
Cũng có một điều cần chia sẻ với Chính phủ là kết quả cũng chưa thể nhanh lên được vì những khiếm khuyết của chúng ta dồn từ rất nhiều năm trở lại đây. Giải quyết được những khó khăn này không phải ngày một ngày hai mà phải giải quyết đồng bộ, có chính sách cho ngắn hạn, trung hạn, hay dài hạn và cần phải có thời gian. Vì thế, chúng ta cũng cần chờ đợi trong hy vọng.
Mặt khác, nếu nhìn nhận một cách công bằng thì những việc Chính phủ, các bộ, ngành đã làm được trong thời gian qua cũng đáng được ghi nhận. Dù vậy, Chính phủ cần cụ thể hóa những địa chỉ, những lộ trình một cách rõ ràng để giải quyết các vấn đề ách tắc của nền kinh tế, cả trong trước mắt và lâu dài.
Vì thế, tôi vẫn luôn trông chờ vào sự chuyển biến nhiều hơn nữa trong cách thức điều hành của Chính phủ trong thời gian tới.
Việc Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm hồi tháng 5 vừa qua, và tới đây, là lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng, theo ông, có khơi dậy được niềm tin đối với tình hình kinh tế – xã hội?
Lần đầu tiên, tại Kỳ họp thứ 5, diễn ra trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, Quốc hội thực hiện công việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tôi tin rằng, cử tri sẽ hài lòng với các đại biểu của mình và hài lòng với Quốc hội về kết quả lấy phiếu tín nhiệm này.
Cùng với việc cuối năm nay chúng ta lại tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng, chắc chắn sẽ tạo nên một sinh khí mới, niềm tin mới cho cử tri, cho doanh nghiệp về quá trình thực hiện nhiệm vụ năm 2013 và những năm tiếp theo.
(TBKTVN)