Về thực trạng ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới và biện pháp tháo gỡ giúp doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hội – vụ phó Vụ Thương mại miền núi, Bộ Công thương – cho biết số hàng này chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất. Ông Hội nói:
“Chúng tôi thường xuyên nắm tình hình tại khu vực cửa khẩu. Phải khẳng định tình hình ùn tắc tại một số cửa khẩu là có, thậm chí có nơi không phải 1.000-2.000 container bị ùn tại phía VN, mà có thể lên tới 6.000-7.000 container. Nhưng tôi cũng khẳng định luôn đó là những container hàng tạm nhập tái xuất, tức không phải sản xuất tại VN, không phải hàng nông sản, mà đa số là hàng đông lạnh nhập khẩu từ nước thứ ba xuất sang Trung Quốc từ VN”.
* Chúng tôi đã đi khảo sát thực tế có cả mặt hàng dừa xuất khẩu của VN cũng bị ùn tắc lâu ngày?
- Trước đây tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn gần như năm nào cũng có, nhất là vào các vụ thu hoạch hoa quả và xe chở hàng xuất khẩu đồng loạt đổ về biên giới, trong khi năng lực thông quan hạn chế. Nhưng thời gian qua, các cơ quan chức năng của VN đã làm việc với phía Trung Quốc và có nhiều giải pháp tháo gỡ. Chẳng hạn tại khu vực Lạng Sơn, ngoài cửa khẩu Tân Thanh, giờ đã mở thêm một số khu vực thông quan nữa như ở Cốc Nam. Nên về cơ bản khu vực Lạng Sơn, hàng VN không tồn đọng lâu ngày ở cửa khẩu, nếu có thường chỉ ùn tắc một ngày.
Phía Trung Quốc vẫn tạo thuận lợi cho hàng hóa là hoa quả, nông sản sản xuất tại VN xuất khẩu. Hàng bạn nghi ngờ là tạm nhập tái xuất thì phía Trung Quốc có yêu cầu phải lấy C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ VN) là sẽ cho thông quan ngay, kể cả đó là buôn bán qua chợ biên giới. Một số xe hàng bị nghi ngờ là hàng tạm nhập tái xuất, phía Trung Quốc thường kiểm tra nếu đúng có C/O là hàng VN thì họ cho qua, chưa có C/O thì họ dừng lại. Doanh nghiệp cũng cần đáp ứng các thủ tục để được thông quan nhanh. Chúng tôi khẳng định hiện hàng hoa quả, như dừa ở miền Nam ra vẫn xuất tốt, kể cả ở Lạng Sơn và Lào Cai.
* Hàng tạm nhập tái xuất thường là những mặt hàng gì và phía VN có biện pháp tháo gỡ giúp doanh nghiệp hay không?
- Hàng tạm nhập tái xuất chủ yếu là hàng thực phẩm đông lạnh, hàng điện tử và hàng phế phẩm vẫn xuất sang Trung Quốc mấy năm nay. Hầu hết hàng này đang bị tắc vì phía Trung Quốc muốn tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng này. Họ có lý do của họ. Câu chuyện này đúng là có phức tạp. Riêng hàng VN, hàng nông sản liên quan đến đại đa số người dân, chúng tôi theo dõi rất sát và phía Trung Quốc vẫn tạo điều kiện cho đi, không gặp cản trở nào. Ngay mùa vải, mùa nhãn vừa qua thương nhân VN cơ bản xuất khẩu tốt cả về giá và lượng. Chúng tôi theo dõi hàng VN, còn hàng tạm nhập tái xuất là vấn đề khác. Tôi nghĩ các biện pháp kiểm soát của phía Trung Quốc cũng là bình thường và quan trọng là hiện không có cản trở nào với việc xuất khẩu hàng nông sản từ VN.
Doanh nghiệp tạm nhập tái xuất vào Trung Quốc cần cẩn trọng
Theo một quan chức Bộ Công thương, phía Trung Quốc đang siết lại hoạt động tạm nhập tái xuất vào nước họ để tránh các mặt hàng phế phẩm và trốn thuế. Nhiều mặt hàng từ VN vào Trung Quốc được hưởng mức thuế ưu đãi từ hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc.
Vì vậy, có một số doanh nghiệp tạm nhập hàng từ nước ngoài ASEAN vào VN, rồi tái xuất sang Trung Quốc. Hàng tạm nhập này về cơ bản VN cũng không thu được thuế, khi tái xuất sang Trung Quốc thì hàng này cũng được ưu đãi thuế nên phía Trung Quốc muốn kiểm soát. Các doanh nghiệp VN mấy năm qua đã kinh doanh được với mô hình tạm nhập tái xuất. Tuy nhiên, từ nay việc kinh doanh này cần tính toán lại để không gặp rủi ro cao.
CẦM VĂN KÌNH(TTO)
Hiện chưa có phản hồi nào.