Sức mạnh quân sự Nhật Bản giống như một “hộp đen”. Chỉ khi nào chiến tranh nổ ra mới biết chiếc “hộp đen” có gì. Nhưng khi biết được thì đã quá muộn.
Từ khi đầu hàng vô điều kiện đồng minh trong thế chiến lần 2, Nhật Bản hầu như nằm trong sự bảo trợ an ninh của Mỹ. Nhật Bản yên ổn làm ăn, xây dựng đất nước bị tàn phá sau chiến tranh để trở thành một cường quốc kinh tế có một nền công nghiệp hiện đại thuộc loại nhất nhì thế giới, chỉ sau Mỹ.
Về mặt quân sự, Nhật gần như “rửa tay gác kiếm”, họ chỉ xây dựng một lực lượng gọi là “phòng vệ Nhật Bản” được nằm trông ô bảo vệ của Mỹ, một lực lượng quân sự khá “khiêm tốn” so với tiềm lực kinh tế và nền công nghiệp hiện đại của mình.
Tuy nhiên, tình thế khu vực đã có sự thay đổi, đặc biệt là sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, nguy cơ đe dọa cả từ phía Bắc Triều Tiên với những vụ thử hạt nhân và bùng phát cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến Nhật Bản phải điều chỉnh chiến lược quốc phòng của mình.
Nếu như Trung Quốc muốn vươn tới một “cường quốc đất liền” thì khả năng thách thức lợi ích và an ninh Nhật Bản không đáng kể vì không trực tiếp. Nhưng Trung Quốc muốn trở thành “cường quốc biển” thì đó là điều không thể chấp nhận của Nhật Bản, Mỹ, Nga và các nước lớn khác…
Nhật Bản cho rằng những mưu đồ, hành động của Trung Quốc vừa qua hướng tới làm mất ổn định tình hình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là hiện thân của mối đe dọa trực tiếp đến các nước ở vùng này, bắt buộc Nhật Bản phải cảnh giác và đối phó và Nhật Bản không chỉ nói.
Phải chăng đây là cơ hội của Nhật Bản? Một con hổ đói đang ngủ bị đánh thức?
Đầu năm 2007, Cục phòng vệ Nhật Bản đã được nâng cấp thành Bộ quốc phòng Nhật Bản và thông qua quyết định dở bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí.
Với một nền công nghiệp hiện đại, Nhật Bản chắc chắn cũng sẽ thực hiện sách lược kiểu “ngụ binh, ư nông” của Việt Nam, thì không có gì là khó khăn khi Nhật Bản sản xuất và chế tạo vũ khí hiện đại.
Nền CNQP của Nhật Bản không có rào cản về vấn đề công nghệ, kỹ thuật như nền CNQP của Trung Quốc, thế giới có cái gì, Nhật Bản làm được cái đó, nhưng Trung Quốc thì không.
Là đồng minh quân sự quan trọng nhất của Mỹ, trong cuộc chiến tranh lạnh vừa qua, đến nay, chỉ riêng về Hải quân, Nhật có số tàu chiến hơn gấp đôi Hải quân Hoàng gia Anh và tàu ngầm gấp đôi Hải quân Pháp.
Nhật có một lực lượng Hải quân được trang bị khả năng chống tàu ngầm vô địch châu Á, được tổ chức thành bốn hạm đội, gồm 4 khu trục hạm Kongô (trang bị Aegis); 3 tàu chiến siêu tốc Towada; và 16 tàu ngầm – tất cả đều được kết nối hệ thống điện tử liên lạc đồng bộ với 100 máy bay tuần tra Lockheed P-3 Orion.
Đó là chưa kể 3 “siêu” khu trục hạm JDS Hyuga 13.500 tấn với bãi đáp trực thăng hoàn toàn có khả năng phòng không độc lập. Có thể chở 11 trực thăng to loại Chinook hay 18-24 trực thăng nhỏ, Hyuga được trang bị kỹ thuật liên lạc hiện đại đến mức nó có thể trở thành tàu chỉ huy điều phối một cuộc chiến. Nó còn có hệ thống tác chiến liên hợp PARS; 64 tên lửa phòng không tầm trung Evolved Sea Sparrow và hai khẩu pháo Phalanx CIWS 20 ly…
Nhật Bản có lý do khi chọn mua của Mỹ loại máy báy F-35B cất cánh thẳng đứng, bởi khi cuộc chiến trên biển xảy ra thì Nhật Bản có ngay lập tức 3 tàu sân bay chiến đấu dạng Hyuga với gần trăm chiếc F-35B hiện đại. Tin tức cho rằng F-35B trục trặc này nọ thực sự là tin “lá cải”.
Năm 2009, Nhật tiếp tục trình làng tàu ngầm thế hệ mới Sôryu (“Rồng Xanh”) chạy bằng hệ thống AIP (Air Independent Propulsion) “êm như lụa” dù nó nặng 2.900 tấn. Ngoài ra, còn có các hệ thống trên bộ điều phối liên lạc với các trạm thu tín hiệu tình báo từ vệ tinh và máy bay thám thính…
Nói chung chẳng ai nghi ngờ về khoa học công nghệ Nhật Bản. Nhật Bản không khoe khoang vũ khí khủng như Trung Quốc, nhưng không ai dám coi thường vũ khí của Nhật Bản. Họ không vay mượn “copy and paste” của ai, họ có bề dày truyền thống về chế tạo sản xuất vũ khí, cho nên độ bí mật và nguy hiểm là rất lớn.
Tuy hiện nay Nhật Bản còn chưa có VKHN, nhưng cả thế giới đều biết, về phương diện kỹ thuật năng lượng hạt nhân, Nhật ở vào vị trí hàng đầu thế giới.
Nghị viện Nhật Bản đã đưa những sửa đổi vào Luật cơ bản về năng lượng nguyên tử, cho phép sử dụng để đảm bảo an ninh của đất nước thay vì tự nguyện thực hiện nguyên tắc “3 không”: không sở hữu, không sản xuất, không nhập khẩu vũ khí hạt nhân.
Các sửa đổi liên quan không chỉ đến lĩnh vực hạt nhân. Luật về không gian vũ trụ từng qui định rằng mọi nghiên cứu trong lĩnh vực này chỉ đóng khung trong khuôn khổ mục đích hòa bình. Hạn chế đó, nay đã loại bỏ, mở ra con đường để Nhật Bản sử dụng không gian bên ngoài vào những mục tiêu quân sự.
Sự thay đổi này, thực sự buộc dư luận phải hiểu rằng với sự đồng thuận của Mỹ, Nhật Bản đã không cần đến chiếc ô này nữa. Nhật Bản có thể tạo ra vũ khí hạt nhân riêng của mình chỉ trong thời gian ngắn.
Hiện nay, Nhật đã có một số nhà máy làm giàu uranium bằng phương pháp ly tâm, nhà máy làm giàu uranium hóa học, đồng thời đã xây dựng nhà máy làm giàu uranium Laze.
Theo tiết lộ, kế hoạch của Ủy ban Năng lượng nguyên tử Nhật Bản năm 1990 định ra thì đến năm 2010, Nhật sẽ cung ứng 85 tấn plutonium. Nhưng theo tính toán, lượng plutonium mà Nhật yêu cầu đến năm 2010 nhiều nhất cũng chỉ hơn 20 tấn. Như vậy, đến năm 2010 Nhật sẽ dư thừa hơn 60 tấn plutonium.
Được biết, cứ khoảng 1 tấn plutonium có thể chế tạo được 120 đầu đạn hạt nhân. Với năng lực nghiên cứu chế tạo tên lửa đạn đạo tiên tiến của Nhật hiện nay, sử dụng lượng “plutonium dự trữ” dư thừa này có thể chế tạo được hơn 7.000 đầu đạn hạt nhân.
Còn tiết lộ của Cục Khoa học kỹ thuật Nhật Bản, trữ lượng plutonium, nguyên liệu hạt nhân của Nhật có thể đủ để chế tạo hơn 500 quả bom hạt nhân với uy lực lớn hơn vài chục lần so với 2 quả bom nguyên tử ném xuống Hirosima và Nagasaki.
Nhưng, theo báo Hàn Quốc, đến năm 2010, Nhật Bản sẽ có lượng plutonium đủ để chế tạo 7.500 quả bom nguyên tử. Có lẽ ta nên tin báo Hàn Quốc hơn.
Điều đáng gờm ở đây nữa là, nếu như Bắc Triều Tiên, Iran mà có VKHN thì thế giới đều biết, vì họ phải thử các vụ nổ. Nhưng Nhật Bản thì khác, Nhật đã nghiên cứu thành công máy tính siêu cao tốc, vận hành tốc độ 600 tỉ lần/giây; với loại máy này hoàn toàn có thể mô phỏng thực thử nghiệm nổ hạt nhân.
Và với kỹ thuật máy tính điện tử phát triển cao, Nhật Bản nhanh chóng có thể nắm vững bí quyết vận dụng máy tính tiến hành thử nghiệm nổ hạt nhân phi giới hạn, đồng thời qua đó có thể tiến hành thử nghiệm chế tạo và cải tiến tính năng của đầu đạn VKHN cũng như có thể chế tạo và cải tiến tên lửa tầm trung, xa và vượt đại châu theo ý muốn.
Như vậy, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Nhật Bản có hay chưa thì chỉ Nhật Bản biết, nhưng khi chủ quyền, an ninh của Nhật Bản bị đe dọa, thách thức thì có là điều chắc chắn.
Nhìn vào thực lực, quân sự của Nhật Bản hiện tại mới chỉ thấy được “phần nổi của tảng băng”.
So sánh tương quan lực lượng phải so sánh ở thế “động”, nếu chỉ nhìn vào thế “tĩnh” để đưa ra phương án tác chiến, hạ quyết tâm chiến dịch, chiến lược là liều lĩnh.
Đương nhiên, giới quân sự tinh anh của Trung Quốc chẳng bao giờ như thế, chỉ có những kẻ quá khích, “diều hâu” ngu xuẩn mới hành động như vậy, nhưng may thay, họ không phải là những kẻ quyết định.
Lê Ngọc Thống (PNTD)
Hiện chưa có phản hồi nào.