Sáng 19/11/2010, ngay sau phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành riêng cho phóng viên Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn ngắn bên hành lang Quốc hội.
* Thưa Thủ tướng, Thủ tướng nhận xét gì về nội dung chất vấn của các đại biểu?
- Tốt, nói chung chất vấn có trách nhiệm, có tính xây dựng nhưng có những vấn đề cần phải chất vấn có tầm hơn.
* Các bộ trưởng trả lời chất vấn đã thuyết phục được các đại biểu Quốc hội chưa, thưa Thủ tướng?
- Có cái giải đáp được, nhưng cũng có cái đại biểu Quốc hội chưa tâm phục khẩu phục lắm. Có phần do không có nhiều thời gian, cũng có phần trình bày vấn đề chưa sâu sắc lắm.
* Như vậy, liệu Thủ tướng và các bộ trưởng có dành nhiều thời gian để đối thoại?
- Sẵn sàng thôi. Tôi đã đặt yêu cầu đối với Chính phủ rằng bây giờ việc trả lời chất vấn, phát biểu tại hội trường và gặp gỡ báo chí là tốt. Chúng ta có nhu cầu đưa thông tin tới nhân dân để người dân biết đúng thực chất vấn đề, đừng để thông tin nhiễu. Nhưng điều này đòi hỏi kỹ năng, bản lĩnh của người lãnh đạo. Vì thế ở các nước người ta phải học quản trị cộng đồng, học thuyết trình, giải trình trước công chúng. Trong khi ở ta chưa có.
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phóng viên Tuổi Trẻ – Ảnh: V.Dũng
* Thủ tướng có mất nhiều thời gian chuẩn bị trước phiên trả lời chất vấn trực tiếp này?
- Mất hai ngày. Tôi phải ngồi tại hội trường nghe toàn bộ nội dung các đại biểu chất vấn bốn bộ trưởng.
* Chỉ một buổi sáng dành cho Thủ tướng trả lời chất vấn có hơi ít?
- Đúng là không đủ thời gian. Nhưng dù sao tôi cũng muốn dành nửa thời gian buổi sáng để đọc giải trình vì các đại biểu đã gửi câu hỏi, mà đó là những vấn đề rất cần trình bày đầy đủ cho đồng bào mình hiểu hơn. Ví dụ trường hợp đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn về biến đổi khí hậu. Một số đại biểu nữa cũng hỏi quan điểm của Chính phủ về vấn đề toàn cầu này. Nếu chỉ nói ở hội trường 1-2 câu thì không đầy đủ.
Tôi muốn giải thích quan điểm của Chính phủ rất rõ ràng khi đã hợp tác với các nước nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Không chỉ thành lập một viện nghiên cứu chuyên lĩnh vực này ở Đại học Cần Thơ mà còn đầu tư đào tạo cán bộ, chuyên gia thật sự hiểu sâu biến đổi khí hậu và những tác động của nó đối với nước ta. Đó cũng là vấn đề tôi sẽ trình bày tại Copenhagen (Đan Mạch) tới đây.
* Đại biểu Nguyễn Đình Xuân đặt vấn đề Thủ tướng từng nói chủ tịch tỉnh sẽ bị kỷ luật nếu để mất rừng nhưng Thủ tướng chưa xử lý kỷ luật chủ tịch tỉnh nào?
- Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm thủ tướng mấy mươi năm có kỷ luật ai đâu vẫn giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Điều quan trọng là phải có đội ngũ tốt. Tất nhiên cũng có những yếu kém trong quá trình phát triển cần có thời gian xử lý. Rừng có thể giảm chỗ này nhưng trồng bổ sung chỗ khác để bảo đảm có được 16 triệu ha rừng, độ che phủ của rừng phải đạt 45% là được.
* Nhưng rừng ở Tây nguyên bị tàn phá khá nhiều, có nơi nhân danh trồng cao su?
- Đúng là có một vài chỗ. Có điều chỉnh lại chút ít. Có chỗ tôi đã kiểm tra rồi. Nhưng nếu không chuyển sang trồng cao su thì cũng khó giữ rừng vì đồng bào nghèo quá, nhiều nơi phải phá rừng trồng ngô. Trồng cao su ở nơi đất tốt thì có lợi cho dân và trồng bù rừng ở nơi khác.
* Thưa Thủ tướng, thực tế có khá nhiều dự án quá thiên về khía cạnh kinh tế mà không tính tới khía cạnh môi trường và các tác động xã hội, chẳng hạn các dự án thủy điện miền Trung?
- Khi đưa ra đa mục tiêu, có lúc nổi lên mục tiêu này có lúc nổi lên mục tiêu khác. Người điều hành phải xử lý linh hoạt. Có lần tôi phải gọi điện thoại trực tiếp cho giám đốc thủy điện Hòa Bình yêu cầu phải xả nước xuống hạ lưu sông Hồng để có nước cho vụ đông, vụ chiêm. Không có điện thì tôi tính cách khác. Cái đó phải điều hòa lợi ích một cách thỏa đáng. Tất nhiên phải đặt ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… Nhưng mỗi thời điểm cụ thể phải xử lý mỗi khác. Đó là cả một nghệ thuật.
XUÂN TRUNG – KHIẾT HƯNG thực hiện




Hiện chưa có phản hồi nào.