Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, GDP 2012 chỉ có thể tăng khoảng 5,2 – 5,7%, nhưng đây là mức tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh phải thắt chặt tài khóa, tiền tệ để đảm bảo kiềm chế lạm phát.
Dự báo này được người đứng đầu Chính phủ đưa ra tại Hội nghị ngành Kế hoạch & Đầu tư ngày 4/7. Trước phát biểu của Thủ tướng, dự báo tương tự cũng đã được đại diện các cơ quan như Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra (trong đó, số liệu ước tính của Bộ Kế hoạch nhỉnh hơn một chút, ở mức 5,4 – 5,7%). Còn Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhìn nhận mức tăng trưởng khoảng 5,3-5,6% do tín dụng tăng thấp.
Thực tế, mục tiêu tăng trưởng 6 – 6,5% mà Quốc hội phê duyệt khó có thể trở thành hiện thực khi tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4,38%, cũng như với điều kiện kinh tế trong nước và thế giới hiện nay.
“Trong số 15 chỉ tiêu Quốc hội giao, tăng trưởng sẽ là điểm duy nhất không hoàn thành trong năm nay”, Thủ tướng nói. Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá tốc độ tăng trưởng này là hợp lý, trong bối cảnh các mục tiêu khác về ổn định vĩ mô, an sinh xã hội đều đạt được.
Ở các chỉ tiêu còn lại, Thủ tướng cho biết mối lo hiện tại là “lạm phát quá thấp” do sức mua sụt giảm. Chính phủ sẽ cố gắng điều hành để lạm phát năm nay trong khoảng 7-8%. Một điểm đáng mừng, theo người đứng đầu Chính phủ là tỷ giá tiền đồng trong 6 tháng qua cơ bản ổn định, giúp thúc đẩy xuất khẩu. Dự trữ ngoại hối cũng được cải thiện dần, hiện đạt khoảng 10 tuần nhập khẩu và có thể đạt khoảng 12 tuần vào cuối năm. “Như vậy, so với thời điểm cuối năm 2011, khi dự trữ ngoại hối chỉ còn khoảng 9 tỷ USD, Việt Nam đã tăng được thêm gần 10 tỷ trong vòng 6 tháng qua”, Thủ tướng cho biết.
Theo Thủ tướng, 6 tháng cuối năm sẽ là thời điểm mà toàn nền kinh tế phải phần đầu quyết liệt: “Tăng trưởng được 5,2% hay 5,7% là nằm ở giai đoạn này”, ông nhấn mạnh. Theo đó, mục tiêu hàng đầu của điều hành 6 tháng cuối năm là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, gắn với tái cơ cấu kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ xác định nông nghiệp cần là thế mạnh trong những lúc khó khăn. Do vậy, các chính sách sẽ tập trung vào tháo gỡ khó khăn cho ngành này, ở 2 hạng mục là vốn và thị trường. Thủ tướng vừa đồng ý cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiến hành tái cấp vốn 20.000 – 30.000 tỷ đồng cho các ngân hàng với lãi suất bằng 0%, để cho vay giá rẻ đối với nông nghiệp nông thôn.
Cùng với nông nghiệp, sản xuất công nghiệp – dịch vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, có sức cạnh tranh… cũng sẽ được ưu tiên. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đẩy nhanh việc giải ngân các nguồn vốn từ ngân sách. Theo tính toán, nêu làm tốt việc này, mỗi tháng sẽ có khoảng 23.000 tỷ đồng được chảy vào nền kinh tế, chưa kể các nguồn đầu tư ODA, FDI…
Dự hội nghị của ngành Kế hoạch & Đầu tư nhằm triển khai chương trình khung về xây dựng kế hoạch kinh tế – xã hội 2013, Thủ tướng cũng dành thời gian để lưu ý về một số mục tiêu tổng quát của năm sau. Theo đó, với điều kiện thế giới có thể tăng trưởng cao hơn, kinh tế Việt Nam sẽ cố găng đạt mức tăng GDP 6 – 6,5%, để tạo tiền đề cho những năm còn lại của kế hoạch 5 năm (2011 – 2015). Lạm phát, trong khi đó, sẽ tiếp tục giảm xuống mức 5 – 6%.
Với mục tiêu như vậy, Thủ tướng cho biết sẽ không có chuyện đưa tiền ồ ạt vào nền kinh tế. Bội chi ngân sách tiếp tục giảm xuống 4,7% (so với 4,8% của 2012), nhập siêu không quá 10% xuất khẩu và lãi suất cho vay dao động trong khoảng 10 – 11%.
Ngoài ra, một lưu ý quan trọng được người đứng đầu Chính phủ nhắc tới là Nhà nước sẽ giảm dần vai trò của mình trong các hoạt động đầu tư, đặc biệt kể từ năm 2013. Theo đó, tổng đầu tư toàn xã hội năm 2013 ước khoảng 34% GDP (tăng nhẹ so với mức 33% của 2012). Tuy nhiên, trong số này chỉ có khoảng 20% là đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ. 80% còn lại sẽ được thu hút từ khu vực tư nhân. Ngoài ra, Thủ tướng cũng khẳng định nguồn đầu tư từ các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ giảm mạnh do các đơn vị này tiến hành tái cơ cấu, tập trung vào ngành chính.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tốc độ tăng GDP cả năm 2012 đạt khoảng 5,4 – 5,7%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,3% (so với kế hoạch là 8,5 – 9%). Xuất khẩu năm 2012 ước đạt 109 – 110 tỷ USD, tăng 13% so với 2010 (đạt mục tiêu). Nhập khẩu đạt khoảng 115 – 116 tỷ USD, tăng 8%. Nhập siêu, do đó, đạt 6 tỷ USD, tương đương 5,5% kim ngạch xuất khẩu.
Theo (QNP)
Hiện chưa có phản hồi nào.