• Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phát triển kinh tế luôn gắn với bảo đảm an sinh xã hội | 25/10/2012
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đoàn đại biểu của Liên hợp quốc | 24/10/2012
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc | 23/10/2012

Đó là chủ đề bộ phim tài liệu tiếng Việt lần đầu tiên sẽ công chiếu tại Hoa Kỳ được thực hiện bởi đạo diễn trẻ người Mỹ gốc Việt – Trần Nhật Phong. Phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Trần Nhật Phong trước khi bộ phim chính thức phát hành bản DVD phim, dự kiến vào cuối tháng này.

Một cảnh quay về lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại đảo Gạc Ma trong bộ phim "Trường Sa trong mắt chúng tôi”

Một cảnh quay về lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại đảo Gạc Ma trong bộ phim "Trường Sa trong mắt chúng tôi”

“Cuốn phim “Trường Sa trong mắt chúng tôi” tuy chỉ gói gọn trong vấn đề Trường Sa và những biến động đang diễn ra tại Biển Đông, nhưng bên cạnh đó mọi người còn có thêm thông tin về tư thế hiện nay của Việt Nam trên chính trường quốc tế, thông qua các nhân vật được xem là có uy thế, quyền lực hiện nay” – đạo diễn trẻ người Mỹ gốc Việt – Trần Nhật Phong chia sẻ

Cơ duyên, động lực nào dẫn tới quyết định táo bạo của anh khi xây dựng bộ phim tài liệu “Trường Sa trong mắt chúng tôi”?

Sau khi gặp gỡ các nhà báo đi Trường Sa về, tôi rất ấn tượng về những hình ảnh đang diễn ra tại Trường Sa, và từ đó hình thành ý tưởng xây dựng một cuốn phim tài liệu về biển đảo cũng như những gì đang diễn ra tại Biển Đông để mọi người, mọi nhà đều có thể lưu giữ lại các hình ảnh quí và giá trị của các thông tin.

Chúng tôi rất ấn tượng với các cảnh quay về lễ thả hoa, cũng như các nghi lễ tâm linh cầu siêu cho các hương hồn liệt sĩ đã ngã xuống tại các quần đảo và vùng thềm lục địa trong bộ phim, kèm lời bình gần gũi, xúc động. Anh có cảm nhận điều này?

Đó là hành động văn hóa đẹp của dân tộc để tưởng nhớ những người con của dân tộc ngã xuống vì sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Khi bắt đầu ráp nối và đọc lời dẫn cho đoạn này, tôi cũng thật sự xúc động và phải thu âm lại nhiều lần vì không kìm được xúc động khiến giọng đọc bị ảnh hưởng. Có thể nói bài diễn văn truy điệu của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn và âm điệu khi ông phát biểu đã khiến tôi xúc động. Tôi tin đó là những ngôn ngữ xuất phát từ trái tim chứ không phải bộ não, ngoài ra tôi cũng tin rằng có yếu tố tâm linh trong lúc thực hiện cuốn phim.

Chúng tôi cũng khá bất ngờ khi bộ phim đã kết nối được những thước phim tư liệu của cuộc Hải chiến Trường Sa năm 1988, cũng như nhắc tới sự kiện đụng độ giữa hải quân VNCH với Trung Quốc năm 1974, dẫn tới việc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị TQ chiếm giữ trái phép từ đó cho tới nay, cùng với nỗi đau 74 liệt sĩ hải quân VNCH đã mãi mãi nằm dưới biển sâu. Nguyên nhân nào dẫn tới việc anh có ý tưởng này?

Thực ra khi quyết định thực hiện thật cảm động đoạn tưởng niệm trên tàu gần khu vực đảo Gạc Ma, tôi đã xem lại rất nhiều lần bài phát biểu của Đại tá Đỗ Minh Thái – Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, đồng thời vì muốn mọi người cảm nhận được sự hy sinh to lớn của những liệt sĩ, do đó tôi đã thêm vào đoạn phim tư liệu vụ nổ súng năm 1988, cho thấy sự tàn khốc của những kẻ có dã tâm. Riêng đoạn tưởng niệm 74 tử sĩ VNCH, đó là sự thật đã diễn ra trong chuyến viếng thăm quần đảo Trường Sa của đoàn công tác số 6, đồng thời đó cũng là sự công bằng của lịch sử, những người con của dân tộc đã đổ máu để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải đều đáng được vinh danh và ghi nhận.

Ca khúc “Nối vòng tay lớn” trở thành nhạc nền trong nhiều phân cảnh của bộ phim, cũng được dùng vào đoạn kết thúc bộ phim. Phải chăng, nội dung ca khúc với khát vọng đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc là mục đích mà anh muốn truyền tải cho bộ phim đầu tay của mình?

Đó là khát vọng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đồng thời cũng là khát vọng của hầu hết người Việt Nam, trong đó có tôi. Với những gì đang diễn ra hiện nay tại Việt Nam và khu vực, tôi cho rằng đất nước và dân tộc đang có cơ hội rất lớn nâng vị thế của mình trở thành một quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế, điều còn lại chỉ là rút ngắn hoặc xóa bỏ khoảng cách khác biệt giữa người Việt Nam với nhau. Tôi muốn nói rằng sự khác biệt sẽ chỉ là vấn đề thời gian nếu cả hai bên đều có thiện chí. Vận mệnh, sự phát triển của đất nước và dân tộc mới là trường tồn, sự đoàn kết dân tộc sẽ là điều then chốt cho tương lai của Việt Nam. Ca khúc “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn đang là khát vọng về sự hòa giải dân tộc. Tôi yêu ca khúc này vì nó sẽ làm mọi người xóa tan hố sâu thù hận vốn vẫn còn tồn tại ở góc cạnh nào đó do lịch sử mang lại.

Một câu hỏi riêng tư: Chúng tôi được biết anh chưa có dịp ra công tác Trường Sa, nhưng nhờ cảm xúc đặc biệt của người nghệ sĩ thì bộ phim vẫn hoàn thành trọn vẹn và được đánh giá là khá thành công về ý tưởng. Vậy cảm xúc cũng như mong muốn của anh rút ra từ bộ phim là gì?

Được ra thăm Trường Sa, hoặc rong ruổi trên khắp mọi miền của một đất nước hòa bình, đó không phải chỉ là mơ ước của riêng tôi, mong ước của những đứa con xa xứ, mà còn là mong ước của ngay cả người trong nước. Cuốn phim “Trường Sa trong mắt chúng tôi” tuy chỉ gói gọn trong vấn đề Trường Sa và những biến động đang diễn ra tại Biển Đông, nhưng bên cạnh đó mọi người còn có thêm thông tin về tư thế hiện nay của Việt Nam trên chính trường quốc tế, thông qua các nhân vật được xem là có uy thế, quyền lực hiện nay. Các thông tin trong cuốn phim sẽ giúp mọi người nhìn rộng rãi hơn và bình tĩnh hơn để có thể đánh giá chính xác về chỗ đứng của Việt Nam trong bàn cờ quốc tế nói chung và khu vực nói riêng. Cuốn phim có thể có những đoạn chưa vừa ý người xem vì phong cách thực hiện theo lối Anti-boring (chống nhàm chán), nhưng mong là mọi người có thể đón nhận như những tư liệu quí để lưu trữ.

Theo (ĐĐK)


Tags:
Mạng chia sẻ:

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa