Khi đến với thành phố biển Đà Nẵng, nhiều người bỗng rưng rưng trước cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa nằm trong lòng thành phố.
Chủ nhân xây dựng cột mốc này chính là người cựu binh đã có một thời sống, bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ông là cựu chiến binh Trần Văn Xuất (SN 1965), hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), là Phó Ban liên lạc bộ đội Trường Sa tại TP Đà Nẵng.
Sức trẻ trên đảo Trường Sa
Mong muốn của người cựu binh Trần Văn Xuất khi xây dựng cột mốc đảo Trường Sa thân yêu trong khuôn viên nhà mình là làm sao để cho thế hệ trẻ biết và hiểu về Trường Sa, đồng thời đây cũng là cầu nối để các chiến sĩ đồng đội của ông có cơ hội gặp gỡ, ôn lại một thời sống, giữ gìn và bảo vệ đảo.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngư dân vùng biển Hòa Hải, tuổi thơ chàng trai trẻ Trần Văn Xuất là những tháng năm theo cha dong thuyền ra khơi đánh cá. Lớn lên, cùng với nhiều thanh niên khác trong địa phương, tháng 6/1984, Trần Văn Xuất bước vào tuổi 19, hăng hái tham gia lên đường nhập ngũ, đóng quân trên đảo Trường Sa Đông (thuộc Lữ đoàn 146, Trường Sa, Khánh Hòa) với chức vụ tiểu đội trưởng DKZ75.
Đến tháng 5/1987, Trần Văn Xuất cùng các đồng đội trở về quê hương sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trên vùng đảo thân yêu của Tổ quốc. Ông nói, những năm tháng cùng anh em, đồng đội sống và giữ gìn, bảo vệ đảo Trường Sa Đông, đó là những năm tháng vinh dự và đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời ông. Bởi theo ông, không ai sống được hai lần cho tuổi trẻ.
“Hồi đó, anh em trong đơn vị chúng tôi buổi sáng vác đá làm đê chắn sóng cho đảo, buổi chiều luyện tập quân sự. Kỷ niệm đáng nhớ và ghi vào tâm trí tôi là vào tháng 8/1985, hôm ấy, trong đơn vị có một đồng chí bị đau ruột thừa phải mổ gấp. Trong khi đó phương tiện tàu lớn không có, may có một tàu đang ở đảo An Bang ghé qua. Lúc đó, sóng to gió lớn nên tàu lớn không thể bỏ neo, chúng tôi đã dùng xuồng không máy để đưa đồng chí ấy lên tàu lớn. Nhưng từ lúc 9 giờ sáng mà mãi tới 15 giờ chiều mới đưa được. Thú thật, cả đơn vị đều nghĩ đồng chí ấy không thể qua khỏi…”, ông Xuất nhớ lại.
Ông kể tiếp, lúc đó anh em bộ đội sống trên đảo rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ nhưng tinh thần ai nấy đều rất lạc quan và tự hào. Đến khi rời đảo vì yêu cầu bí mật nên không ai được được phép tạm biệt ai. Đến đất liền thì mỗi người một phương khắp Bắc đến Nam, ai nấy cũng lo làm ăn kinh tế để chăm lo cho gia đình nên mọi người biệt tăm nhau.
Thiêng liêng cột mốc Trường Sa
Trong khoảng thời gian vào năm 2005, trong một lần được ra thăm vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), khi nhìn ra biển, hồi ức của ông Trần Văn Xuất lại nhớ về các đồng đội xưa và ông tự nhủ sẽ phải bằng mọi cách liên lạc rồi đi tìm lại bằng được các anh em trong đơn vị từng sống và chiến đấu ở đảo Trường Sa Đông.
“Năm 2005, tôi bắt đầu hành trình tìm lại đồng đội cũ. Đến năm 2008, khi vẫn còn sáu đồng chí chưa tìm thấy, tôi nghĩ đến việc phải xây dựng cột mốc này. Vì biết đâu có duyên thì rồi sẽ quy tụ lại được những người lính ngày đó trên đảo Trường Sa Đông. Đến năm 2011, tôi đã nhớ lại những mẩu chuyện, những tâm sự mà anh em từng chia sẻ khi còn ở đảo Trường Sa Đông để làm đầu mối tìm lại địa chỉ của từng đồng đội cũ. Nhờ thế, tôi tìm và liên lạc được với tất cả những đồng đội trong đơn vị. Cũng tại Cột mốc này, tôi đã tổ chức gặp mặt đồng đội cũ từ Bắc chí Nam. Đến khi tất cả anh em về đây gặp mặt, cả gia đình tôi mới hiểu được ý nghĩa của công việc thầm lặng tôi đã làm bao năm qua. Tôi cũng hạnh phúc vì đã nhận được sự sẻ chia sâu sắc từ vợ các các con”, ông Xuất tâm sự.
Cột mốc được bắt đầu xây dựng năm 2008 theo nguyên bản cột mốc ở ngoài đảo Trường Sa Đông với chiều cao 6m, rộng 1,5m. Đặc biệt, hai bên cạnh của cột mốc là hai cây bàng vuông được mang về từ đảo Trường Sa lớn. Trong đó, một cây do đồng chí Đặng Minh Hải, nguyên Chính ủy vùng 4 Hải quân tặng năm 2009 và một cây khác do đồng chí Đào Tất Thắng, nguyên Trung đội trưởng Đảo Trường Sa Đông tặng năm 2011.
Cột mốc nằm hiên ngang giữa không gian thanh bình của TP Đà Nẵng, giữa vườn tượng đá Non Nước với hàng ngàn sản phẩm đá mỹ nghệ được làm nên từ bàn tay tài hoa của bao người nghệ nhân đá.
Truyền lửa cho thế hệ trẻ
Từ khi cột mốc chủ quyền Trường Sa dựng lên đã thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Ông Xuất cho biết không thể thống kê có bao nhiêu lượt người đến tham quan, chụp ảnh bên cạnh cột mốc này. Điều mà ông Xuất cho là kì diệu nhất là sau khi cột mốc được xây dựng để làm “tín hiệu” tìm lại đồng đội, đã có nhiều đồng đội cũ tìm đến với ông hoặc ông đã tìm được họ.
Bây giờ cột mốc này như một điểm đến đầy tự hào của mỗi người dân Đà Nẵng cũng như du khách khi ngang qua đây. Hàng ngày có hàng trăm lượt du khánh trong và ngoài nước khi đến Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đều ghé thăm cơ sở sản xuất đá của ông, chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc. Ngoài ra, nhiều em học sinh Đà Nẵng đã có những chuyến dã ngoại, tham quan tại đây như để hiểu thêm về lịch sử dân tộc với niềm tự hào về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, trở thành một nơi giáo dục về truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ.
“Nhiều đoàn sinh viên, học sinh đã đến thăm quan cột mốc này. Tôi chỉ muốn nói cho các cháu, các em thế hệ sau hiểu được Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam mình. Đó là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta.
Có một lần một người khách ở Bình Định đến Đà Nẵng, khi nhìn thấy cột mốc này đã bỏ thời gian gần một ngày để chụp ảnh và tìm hiểu. Lúc đó tôi thấy người này cứ ôm cột mốc khóc càng làm tôi thấy xúc động, càng thấy tự hào về tình yêu biển đảo quê hương của người Việt Nam mình…”- người cựu chiến binh tâm sự.
Đức Hoàng – Huyền Thanh(GiaDinh)
Hiện chưa có phản hồi nào.