• Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Israel Meirav Eilon Shahar | 31/10/2012
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam – Hungary | 31/10/2012
  • Thủ tướng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Á-Âu tại Lào | 31/10/2012
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Quốc tế » Trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc đang ở đâu?

Có mặt ở hầu hết định chế quốc tế như một “cổ đông” với vị thế đang lên, Trung Quốc ngày càng góp tiếng nói trong nhiều vấn đề quan trọng toàn cầu. Thế nhưng, nói đến yếu tố trách nhiệm tương xứng với vị thế của một cường quốc thì Trung Quốc đang ở đâu?

“Tư cách” của người “ngồi chiếu trên”

Ngày 17/3/2011, Stephen Olson và Clyde Prestowitz thuộc Viện Chiến lược kinh tế (Washington DC) đưa ra bản báo cáo thực hiện với sự ủy nhiệm của Ủy ban Xem xét an ninh kinh tế Trung Quốc – Hoa Kỳ thuộc Quốc hội Mỹ có tựa đề “Vai trò tăng dần của Trung Quốc trong các thể chế quốc tế”. Báo cáo cho thấy, Trung Quốc ngày càng hội nhập sâu vào nhiều tổ chức thế giới, từ Liên Hiệp Quốc (LHQ), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như các tổ chức chính trị khu vực như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Và trong bài viết dài trên “The Washington Quarterly”, Michael Fullilove, Giám đốc Chương trình các vấn đề toàn cầu thuộc Viện Quan hệ quốc tế Lowy (Úc), cũng cho thấy thêm rằng, Trung Quốc từ hơn một thập niên nay đã khước từ chính sách giấu mình và bắt đầu tham gia tích cực vào các cuộc tranh luận liên quan nhiều đến vấn đề thế giới nổi cộm.

Sự thay đổi chiến lược từ phong thái thận trọng sang cách thức phô trương đã thể hiện tư duy chính trị quốc tế mới của Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa và đa phương hóa: Họ muốn tăng cường mức độ ảnh hưởng để có thể định hình luật chơi theo cách của họ, hơn là chấp nhận thụ động để Mỹ và phương Tây dắt dây xỏ mũi. Một nước vốn nghèo và bé cổ thấp họng sau khi hùng mạnh luôn muốn chứng tỏ vị thế mới của mình thật ra là điều dễ hiểu. Nhưng khi đã có thể vỗ ngực xưng tên là “cường quốc” thì “anh” không thể chỉ biết phát ngôn bạo mồm hay có mặt ở các phiên họp biểu quyết tìm kiếm cách thức giải quyết một vấn đề quốc tế mà “anh” còn phải cho thấy “anh” đã bắt đầu có đủ tư cách và làm tốt vai trò trách nhiệm của mình. Với Trung Quốc, sự gánh vác cần có của một nước lớn đối với các vấn đề chung của thế giới còn là điều đang bị tảng lờ. Nói cách khác, “cổ đông” Trung Quốc chỉ “góp vốn” cho các cuộc đầu tư chính trị mà có thể kiếm được lời. Còn không thì thôi. Đó có phải là một lối hành xử ích kỷ?

Trên diễn đàn LHQ, Trung Quốc chỉ nói và làm những gì không đụng chạm đến những “hạch tâm lợi ích” của mình.

Trên diễn đàn LHQ, Trung Quốc chỉ nói và làm những gì không đụng chạm đến những “hạch tâm lợi ích” của mình.

Nhìn lại cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu tổ chức tại Copenhagen. Vào những giờ cuối cùng trước khi cuộc họp kết thúc, khoảng 16h thứ Sáu 18/12/2009, trong phòng hội nghị trước hơn 20 nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã không kiềm chế được cơn giận khi chỉ trích với giọng mỉa mai: “Tôi nói điều này ra với tất cả sự kính trọng và tấm lòng bạn hữu, với tất cả sự tôn kính dành cho Trung Quốc… Phương Tây đã đồng thuận cam kết cắt giảm 80% khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thế mà, phần mình Trung Quốc – chẳng bao lâu nữa sẽ là cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới – lại như muốn nói với thế giới rằng: “Cam kết này chỉ áp dụng cho quý vị chứ không phải cho chúng tôi!”… Điều này là không thể chấp nhận!”.

Hóa ra Trung Quốc đã chủ trương đánh bài chuồn khỏi những ràng buộc cắt giảm khí thải. Buổi thảo luận được tổ chức bên lề hội nghị Copenhagen, được báo chí gọi là “cuộc họp thượng đỉnh mini” với lãnh đạo đại diện 25 nước, có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Gordon Brown, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và nhiều nguyên thủ khác. “Sĩ số” phòng họp lại vắng mặt một nhân vật quan trọng: Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Thay vào đó, ngồi đối diện Tổng thống Obama chỉ là một “anh” viên chức ngoại giao Trung Quốc, hàm Thứ trưởng, ông Hà Á Phi! Và vậy là, như có thể thấy trước, hội nghị với sự tham gia của 192 quốc gia (nhằm đưa ra Nghị định thư Copenhagen, thay thế Nghị định thư Kyoto bắt đầu hết hiệu lực năm 2012), mà Thủ tướng Gordon Brown gọi là “hội nghị quốc tế quan trọng nhất từ sau Thế chiến thứ hai”, đã hạ màn với kết quả zero! Thế mà trước khi đến Copenhagen, Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm khí thải đến 40-45% so với mức năm 2005, vào trước thời hạn 2020!

Trung Quốc làm gì trong LHQ?

Chẳng khó khăn gì để thấy chiến thuật lẫn chiến lược Trung Quốc trên trường ngoại giao quốc tế, cụ thể là trong LHQ. Một mặt họ ra vẻ luôn sẵn sàng biết điều, biết chơi, biết ứng xử… khi tham gia vào một số hoạt động LHQ. Họ không muốn bị cho là nước lớn đứng ngoài lề đối với những chuyện lớn. Mặt khác, họ dè dặt lảng tránh những vấn đề không có lợi riêng cho quốc gia, dù cộng đồng quốc tế đang đòi hỏi và muốn Trung Quốc thể hiện thái độ quyết đoán nhất định.

Lấy ví dụ việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ của Trung Quốc. Hai thập niên qua, đóng góp của Trung Quốc cho hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ bắt đầu tăng dần. Tuy nhiên, sự có mặt Trung Quốc trong hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế luôn được tính toán cân nhắc, theo đúng “bản sắc” Bắc Kinh. Chẳng hạn, họ thường chỉ bỏ phiếu thông qua việc sử dụng lực lượng gìn giữ hòa bình tại những nước nào không công nhận Đài Loan! Thập niên 90 Bắc Kinh đã phủ quyết hoặc dọa phủ quyết các đề xuất đưa lực lượng Mũ nồi xanh LHQ đến Haiti, Guatemala và Macedonia bởi lý do trên. Xét về quân số, Trung Quốc có thể tự hào hiện là nước gửi quân nhiều nhất cho lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ nhưng không như phương Tây, Trung Quốc chỉ gửi cảnh sát và nhân viên y tế hơn là lính tác chiến cho lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Nói cách khác, trách nhiệm Trung Quốc là nằm ở những giới hạn trong gìn giữ an ninh, một khi khả năng dọn dẹp đổ máu đã qua đi…

Với Hội đồng Bảo an (UNSC), đã qua rồi cái thời Trung Quốc chỉ ngồi nghe ý kiến người khác. So với những thành viên thường trực khác trong UNSC, Trung Quốc là nước bỏ phiếu phủ quyết ít nhất: chỉ vỏn vẹn 4 phiếu từ năm 1971 đến 2002 (so với 75 của Mỹ). Trung Quốc thường tránh né bằng cách bỏ phiếu trắng hoặc không tham gia bỏ phiếu, trừ khi vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi quốc gia họ, đặc biệt như vấn đề Đài Loan hoặc Tây Tạng. Trong đấu trường LHQ, Trung Quốc sử dụng chính sách nước đôi: Sẽ có một Trung Quốc cứng rắn đầy mùi vị học thuyết trong Đại hội đồng LHQ và có một Trung Quốc mềm dẻo và thực tế hơn trong UNSC.

Trung Quốc thường đưa hai “diễn viên” với kỹ thuật diễn xuất khác nhau đến LHQ. “Anh” ở sân khấu Đại hội đồng LHQ thường thủ vai kẻ rắn đầu trong khi “anh” trong UNSC thường thủ vai tay chơi lọc lõi và tinh ranh hơn. Đơn cử với trường hợp Sudan. Trong UNSC, Trung Quốc liên tục làm loãng mức độ nghiêm trọng vụ việc, hoặc khước từ, hoặc vắng mặt trong những phiên thảo luận đưa ra giải pháp xử lý tình hình nội chiến Sudan. Tuy nhiên, khi nhận ra sự mong manh của chính thể đương quyền Sudan, Bắc Kinh bắt đầu hạn chế vai trò ông trùm bảo kê và hé mở khả năng ủng hộ LHQ! Cụ thể, khi ngồi ghế Chủ tịch UNSC năm 2007, Bắc Kinh đã đi cửa sau ép Chính phủ Khartoum (Sudan) chấp nhận một sứ mạng liên hợp của LHQ và Liên đoàn châu Phi nhằm buộc Sudan đồng ý thực thi Hiệp ước Darfur 2006. Tại sao Bắc Kinh trở mặt với Khartoum? Đó là thời điểm mà Bắc Kinh đang cần đánh bóng họ trước thềm Thế vận hội Bắc Kinh 2008! Hơn nữa, cục diện lôi thôi ở Sudan nếu tiếp diễn sẽ có thể lan rộng trong khu vực và ảnh hưởng trực tiếp đến các thương vụ đầu tư của Trung Quốc ở Lục địa đen.

Nhân vật gây tai tiếng Sa Tổ Khang.

Nhân vật gây tai tiếng Sa Tổ Khang.

Văn hóa trong ngoại giao

Giới học giả chính trị quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh nói rằng, khoảng cách dị biệt giữa Trung Quốc với phương Tây trên các diễn đàn quốc tế vẫn còn lớn, bởi Trung Quốc vẫn thường bị “hiểu lầm”, “hiểu sai”, “ngộ nhận”; bởi những “định kiến” và “ác cảm” xuất phát từ lòng “ganh tỵ” trước một Trung Quốc phát triển quá nhanh; và rằng những “nghị sự trách nhiệm” của phương Tây chỉ là những đòn phép chiến thuật được thiết kế nhằm làm hạn chế sự đi lên mạnh mẽ của Trung Quốc! Hãy để thực tế trả lời rằng, những ý kiến trên đúng hay sai.

Nếu là người tử tế thật sự, đừng bao giờ để xảy ra những chuyện đại loại như trường hợp một viên chức cấp cao LHQ người Trung Quốc – Sa Tổ Khang (Phó tổng thư ký đặc trách các vấn đề xã hội – kinh tế của LHQ), trong phiên họp tại một khu nghỉ mát ở Áo vào tháng 9/2010 – lại nhậu xỉn “quắc cần câu” rồi giật micro phát biểu oang oang với Tổng thư ký Ban Ki-moon rằng: “Tôi biết ông chẳng bao giờ ưa tôi, ông tổng thư ký à. Mà tôi cũng có bao giờ ưa ông đâu”. Viên chức họ Sa còn quay sang nhìn viên chức LHQ Robert Orr (người Mỹ) và lè nhè nói tiếp: “Tôi thật sự không thích cái thằng cha đó. Hắn là người Mỹ và tôi thật sự không thích bọn Mỹ”… Không hẳn là họ Sa đã “mượn rượu” để nói lên những gì thật sự vốn “trăn trở” lâu nay. Vì, trong cuộc phỏng vấn BBC năm 2006, nhân vật từng lăn lộn trong nghề ngoại giao suốt 4 thập niên này cũng đã tỉnh táo nói: “Cái bọn Mỹ này nên câm họng lại thì hơn. Im mồm đi. Mấy người là số một chắc? Sao cứ chỉ trích Trung Quốc vậy? Quên đi. Đến lúc câm họng lại đi. Mấy người có quyền làm bất cứ gì tốt cho mấy người nhưng đừng bảo chúng tôi là cái gì thì tốt cho Trung Quốc”. Thái độ và văn hóa của một viên chức ngoại giao thâm niên như Sa Tổ Khang, một đại diện Trung Quốc ở LHQ đã đủ để thấy được tư cách Trung Quốc ở trường ngoại giao quốc tế?

Trách nhiệm chẳng là cái gì?

Định nghĩa đơn giản của từ “trách nhiệm” là gì, hỏi Trung Quốc, họ sẽ có nhiều phiên bản giải thích khác nhau, tùy trường hợp cụ thể. Riêng trong lĩnh vực từ thiện, Trung Quốc, đến nay, vẫn là một trong những quốc gia (được xem là giàu) xếp đứng chót bảng!

Không lâu trước khi một chương trình đặc biệt – được báo chí gọi là “bữa tiệc Ba-Bi”, do 2 tỉ phú Warren Buffett và Bill Gates thân chinh đến Bắc Kinh tổ chức – bắt đầu diễn ra vào cuối tháng 9/2010, báo chí Trung Quốc đã đồn đoán rằng, chắc chỉ khoảng 1/2 trong số 50 tỉ phú Trung Quốc được mời là có mặt. Nhưng hơn 2/3 nhân vật có trong danh sách mời đã đến. Tuy nhiên, họ đến vì muốn tên mình xuất hiện bên cạnh 2 nhân vật từ thiện huyền thoại Warren Buffett và Bill Gates trong các bài báo xuất hiện vào hôm sau, hơn là đến để sẵn sàng chung tay đóng góp vào quỹ từ thiện của 2 tỉ phú Mỹ. Với người Trung Quốc, “từ thiện” là một khái niệm xa lạ đối với cuộc sống. Ghi nhận của Chính phủ Bắc Kinh cho biết, tổng số tiền quyên được từ các tổ chức hoạt động xã hội từ thiện đã tăng từ 1,5 tỉ USD (10 tỉ tệ) năm 2006 lên hơn 7,5 tỉ USD (50 tỉ tệ) năm 2009. Chẳng thấm vào đâu so với 300 tỉ USD/năm tại Mỹ.

Theo Giáo sư Đặng Quốc Thắng thuộc Trung tâm Nghiên cứu trách nhiệm xã hội và sáng tạo (Trường đại học Thanh Hoa), tại Trung Quốc, chỉ khoảng 20% đóng góp từ thiện hàng năm là đến từ các cá nhân. Ở Mỹ, tỉ lệ trên là 70%. Trong khi đó, Trung Quốc đang được biết đến như một thị trường hấp dẫn của sản phẩm cao cấp xa xỉ (thứ 2 thế giới, sau Nhật; nước mà có đến 17% dân số đóng góp từ thiện, so với 11% của Trung Quốc).

Giá trị của tinh thần bác ái nhân đạo từ Khổng Tử đã ít nhiều biến mất khỏi Trung Quốc hiện đại. Tại sao Trung Quốc ngày nay không có những người như Warren Buffett và Bill Gates? Vấn đề là lỗ hổng niềm tin. Như Tào Đức Vượng (Giám đốc điều hành Tập đoàn Phúc Diệu, nơi sản xuất kính lớn nhất Trung Quốc) từng nói rằng, ông có cảm giác bị lừa khi đưa tiền cho các tổ chức từ thiện, rằng chẳng biết liệu những đồng tiền đóng góp của mình có đến được tay người nghèo không. Trong nước đã vậy, với bên ngoài, Trung Quốc đương nhiên thua xa nhiều nước ở bảng đóng góp từ thiện toàn cầu.

Ngọc Trí (Theo Petrotimes)


Mạng chia sẻ:

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa