• Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Israel Meirav Eilon Shahar | 31/10/2012
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam – Hungary | 31/10/2012
  • Thủ tướng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Á-Âu tại Lào | 31/10/2012
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Kinh tế - Chính trị - Xã hội » Thuế thu nhập cá nhân: Cần khoan thư sức dân

Việc Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội (QH) có ý định hạ mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) so với mức đề xuất của Chính phủ đang gây nhiều bức xúc trong dư luận và tranh cãi kịch liệt trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“QH phải nâng lên, chứ sao lại hạ xuống?”

Thay vì giữ nguyên mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/người/tháng như Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách QH vừa họp và đề xuất mức khởi điểm chịu thuế là 7 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh là 2,8 triệu đồng/tháng và mỗi người nộp thuế chỉ được giảm trừ cho 2 trường hợp. Dù khẳng định việc sửa đổi luật lần này không tạo gánh nặng về nghĩa vụ tài chính đối với người dân, nhưng theo Tiểu ban Chính sách và thu ngân sách của UBTCNS QH, dự luật phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Tiểu ban này cho biết dù có ý kiến tán thành với đề xuất nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng và nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 3,6 triệu đồng/ tháng, nhưng một số ý kiến lại cho rằng, việc nâng mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh như vậy là cao. Bên cạnh đó, đề xuất này “sẽ thu hẹp số lượng người nộp thuế, làm sai lệch bản chất thuế TNCN; ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN”.

Những mức trên được đưa ra tại phiên Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) QH họp thẩm tra sơ bộ về dự luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi ngày 7/9, với quan điểm mức khởi điểm chịu thuế 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng/tháng là cao. Quan điểm này đã khiến các chuyên gia tài chính bất ngờ.

Chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Minh Phong cho biết ông bất ngờ và không hiểu tại sao UBTCNS QH lại muốn giảm mức đề xuất xuống. “Tôi thật sự không hiểu vì sao UBTCNS QH muốn giảm xuống, vì thường từ trước tới nay Chính phủ trình thấp, UB thẩm tra nâng lên mức cao hơn. Cơ quan nhà nước muốn bảo vệ nguồn thu NSNN nhưng cũng phải nhìn vào đại bộ phận người dân còn đang khó khăn hiện nay chứ”.

Đừng làm cho cuộc sống của người dân thêm khó khăn

Đừng làm cho cuộc sống của người dân thêm khó khăn

Nhiều chuyên gia khác cho rằng dù tình hình thu ngân sách khó khăn nhưng không thể không thấy thực tế là luật Thuế TNCN được xây dựng và thông qua vào năm 2007. Mức lương tối thiểu lúc đó là 450.000 đồng đã được điều chỉnh lên 1,05 triệu đồng (từ ngày 1/5/2012) trong khi mức giảm trừ gia cảnh không được nâng lên đồng nghĩa với việc người dân phải đóng thuế TNCN nhiều hơn trước rất nhiều. Chưa kể tình hình lạm phát những năm qua tăng nhanh đã xói mòn thu nhập của người dân. Không tính đến những vấn đề này tức những người đưa ra đề xuất giảm mức thu nhập tính thuế và giảm trừ gia cảnh chưa đặt mình vào hoàn cảnh của người dân.

Cần khoan thư sức dân

Một tranh cãi khác nữa là quan điểm khoan sức dân trong chính sách thuế thu nhập cá nhân. Ủy ban Tài chính- Ngân sách lạnh lùng đánh giá, con số Chính phủ là không hợp thông lệ quốc tế và chưa bảo đảm tương quan với các nước trong khu vực. Quy mô các khoản giảm trừ gia cảnh của một số nước đều ở mức xung quanh 1 lần mức GDP bình quân đầu người. Còn mức 9 triệu đồng/ tháng thì tương đương với 2,5 lần mức GDP bình quân đầu người vào năm 2014. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ này là cao! Nhưng trước đó, Bộ Tài chính đã dẫn giải rằng, dù tỷ lệ cao hơn nhưng con số tuyệt đối GDP bình quân theo đầu người của Việt Nam lại thấp hơn nhiều nước.

Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng đã đánh giá: “Khoảng thu nhập chịu thuế của Việt Nam thấp hơn rất nhiều nước dù thang thuế suất là tương đồng với các nước. Ví dụ, nếu như thu nhập chịu thuế suất 10% ở Việt Nam chỉ là 3.451- 5.175 USD/năm thì tại Trung Quốc là 4.931- 16.434 USD/năm, Thái Lan là 3.801- 9.500 USD/năm”. Nhìn nhận câu chuyện này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, từ giá cả các dịch vụ và sản phẩm cho đến thuế, phí ở nước ta đều rất cao so với thu nhập của người dân, như giáo dục, y tế, giao thông, điện, xăng dầu… Người dân phải chi tỉ lệ lớn cho nhu cầu ăn uống. Và trên thực tế, người dân còn đóng góp rất nhiều vào Ngân sách Nhà nước qua các thuế, phí khác. Do vậy, vị chuyên gia này cho rằng, thuế thu nhập cá nhân cần có tinh thần khoan thư sức dân lớn hơn các nước khác, để người dân có thể cải thiện được dần cuộc sống, tăng tiêu dùng, tích lũy, khuyến khích người dân làm giàu, từ đó hỗ trợ phát triển kinh tế. Còn Nhà nước vẫn có thể thu từ các loại thuế khác.

Cần tính lại sát thực tế hơn

Có lẽ, đây cũng là lần hiếm hoi Bộ Tài chính lại nhận được sự ủng hộ của dư luận và giới chuyên gia kinh tế như vậy với việc đề xuất nâng giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân qua đề xuất mới nhất của mình. Tháng 3 năm nay, Bộ Tài chính công bố phương án sửa đổi dự kiến mức khởi điểm chịu thuế tăng từ 4 triệu/tháng hiện hành lên 6 triệu đồng/tháng, từ 1,6 triệu đồng giảm trừ cho 1 người phụ thuộc lên 2,4 triệu đồng cho 1 người phụ thuộc. Phương án này đã vấp phải sự phản bác kịch liệt từ các chuyên gia kinh tế và ý kiến trong dân chúng. Bộ Tài chính bị mang tiếng là không khoan sức dân, luật sửa chưa ra đời thì đã lạc hậu. Quá trình lấy ý kiến đóng góp được tiếp tục sau đó và đến 31/7, tờ trình của Chính phủ do Bộ Tài chính thay mặt ký đã có nhiều thay đổi tạo được đồng tình của dư luận. Khởi điểm chịu thuế được sửa tăng vọt lên 9 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc tăng lên 3,6 triệu đồng/người, tăng tới 125% so với mức hiện hành và cao hơn 50% so với phương án đầu tiên. Thời điểm áp dụng sớm hơn nửa năm so với dự kiến.

Qua đề xuất này, lộ trình sửa luật tưởng đã đạt kết quả thì vào phút chót, toàn dân được phen ngã ngửa khi cơ quan của Quốc hội lại có thay đổi theo hướng giảm mức khởi điểm chịu thuế và hạn chế người phụ thuộc. Ngay trong buổi thảo luận về đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói: “9 triệu có phải là ghê gớm?”. Phó chủ tịch Quốc Hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng lên tiếng: “Tại sao không đồng ý với đề xuất của Chính phủ mà lại yêu cầu tăng người nộp thuế lên như vậy?… Giờ Chính phủ đưa ra con số tính toán hợp lý thì Ủy ban Tài chính – Ngân sách lại có một con số khác!”

Cho đến thời điểm này, Ủy ban Tài chính- Ngân sách mới chỉ các đề xuất con số. Ngoài lý do “lo giảm ngân sách”, lý do “quá cao, quá nhanh” thì căn cứ định lượng duy nhất của cơ quan này là có 6/8 thành viên đề nghị hạ mức giảm trừ gia cảnh, áp đảo con số chỉ có 2 người ủng hộ Chính phủ. Có lẽ vì thế cần công khai các cơ sở, phương pháp tính toán một cách công khai và sát với đời sống thực tế nhất.

N.HUY(BaoCongLuan)


Mạng chia sẻ:

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa