Với vai trò, nhiệm vụ là tư vấn, phản biện và giám định xã hội; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; bảo vệ môi trường; giáo dục và đào tạo; tôn vinh trí thức; động viên phong trào nhân dân tham gia hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ…
Hơn 1/4 thế kỷ hoạt động (từ năm 1983), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, được tổ chức rộng khắp trong cả nước với 125 hội thành viên, thu hút trên 80 vạn trí thức khoa học và công nghệ… Đặc biệt, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng, phản ánh trung thực, khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, đã có những đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối đổi mới của Đảng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tại buổi làm việc, các thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã đề xuất nhiều giải pháp trong việc củng cố kiện toàn bộ máy, đóng góp vào các dự thảo các văn kiện, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, phổ biến kiến thức… nhằm tập hợp tốt hơn nữa những đóng góp của các nhà khoa học vào phát triển đất nước.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vào những thành tựu chung của đất nước, đặc biệt là Liên hiệp hội đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí khoa học và cộng nghệ trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc Chính phủ phối hợp tốt với Liên hiệp hội để phát huy vai trò của Liên hiệp hội và đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đóng góp vào hoạch định chính sách, điều hành, các dự án lớn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành theo chức năng của Chính phủ. Do vậy, Chính phủ phải có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện để Liên hiệp hội phát huy vai trò, chức năng nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra những hạn chế mà Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần phát huy trong thời gian tới là chưa tập hợp được đông đảo trí thức khoa học và công nghệ, trí thức trẻ, trí thức trong doanh nghiệp và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; nội dung và phương thức hoạt động còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp…
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Liên hiệp hội cần quán triệt, cụ thể hóa Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,” trong đó Liên hiệp hội cần tập trung nghiên cứu, tập hợp và đề xuất những đóng góp của các nhà khoa học trong phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời tăng cường phổ biến kiến thức khoa học công nghệ trong nhân dân và tích cực tham gia các hoạt động xã hội hóa khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng pháp luật, các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án trọng điểm của Chính phủ…
“Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Văn phòng Chính phủ cần sớm xây dựng Quy chế phối hợp nhằm triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước,” Thủ tướng gợi ý.
Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm ban hành Chỉ thị nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 42-CT/TW, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam xây dựng đề án, chương trình cụ thể trong việc kiện toàn và củng cố tổ chức bộ máy của Liên hiệp hội, xây dựng cơ chế chính sách về tài chính, trụ sở làm việc./.
Hiện chưa có phản hồi nào.