Sáng 22/9, 40 bệnh nhi mắc các bệnh ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K (cơ sở Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) cùng 60 bệnh nhi khoa Ung bướu (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã được “phá cỗ” sớm một tuần nhờ những món quà từ Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng.
Tại buổi lễ trao quà Trung thu cho các bệnh nhi sáng 22/9, nhiều em bé đã tạm quên đi nỗi đau về thể xác để vui cười cùng những trò chơi do Ban tổ chức mang lại.
Chỉ có những người cha, người mẹ của các em chứng kiến cảnh con nở nụ cười là không cầm được nước mắt. Sinh con ra khỏe mạnh, họ không ngờ chỉ nuôi con bình an được một thời gian ngắn thì tin dữ ập đến …
Con cười, mẹ khóc
Ngồi ở hàng ghế thứ 2, bé Nguyễn Hoàng Anh (23 tháng tuổi, mắc bệnh ung thư máu) chăm chú theo dõi từng động tác của những thành viên Ban tổ chức.
Những chùm bóng bay lớn, âm thanh vui nhộn, những món quà và đồ chơi rực rỡ sắc màu khiến bé phấn khởi ra mặt. Mỗi lần có tiếng vỗ tay vang lên, bé cũng vỗ theo, không kìm được niềm vui sướng.
Ngồi cạnh bé là chị Nguyễn Thị Tơ (quê ở thôn Trường Trung, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa). Cứ mỗi lần thấy con cười hay con vỗ tay theo nhạc, chị Tơ không cầm được nước mắt, đành ngoảnh mặt đi nơi khác để giấu giếm nỗi buồn …
Chị cho biết bé Hoàng Anh sinh ra mũm mĩm, khỏe mạnh. Nhưng đến khi cháu hơn 1 tuổi thì gia đình thấy cháu bị vàng da, hay ốm, khóc. Đưa đi khám ở bệnh viện huyện không được, chị và chồng đưa con lên bệnh viện tỉnh. Và cuối cùng là ra bệnh viện K. Tại đây, cháu được xác định bị ung thư máu, tình trạng đã khá nặng, tóc đã rụng hết.
“Các bác sỹ nói nếu kiên trì, cháu có thể duy trì được 9-10 năm”, nói đến đây, chị lại nhìn con, lấy khăn bịt miệng để ngăn những tiếng nấc.
Chị Tơ và bé Hoàng Anh đã ở hẳn bệnh viện K được 6 tháng nay nhằm thuận tiện cho việc điều trị. Chị cho biết hôm nay thấy đông người thế này nên cháu mới vui vẻ, hào hứng như thế. Hàng ngày cháu hay quấy khóc do mệt mỏi, có đợt cứ 4 ngày cháu phải truyền hóa chất mất 3 ngày.
Cách khu vui chơi một hành lang đi lại là phòng bệnh của cháu Bùi Ngọc Minh (3 tuổi). Không như những cháu khác được ra sân chơi, cháu Minh phải ở trong phòng do đang truyền hóa chất. Vừa truyền hóa chất, cháu vừa ngủ ngon lành.
Thấy có người đến thăm, trao quà, chị Lê Thị Ba (quê huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc – mẹ của cháu Minh) vội đứng dậy. Nhận quà cho con xong, nghe những lời thăm hỏi, động viên của mọi người, chị Ba chẳng nói được câu nào, chỉ khóc như mưa. Chị vội vơ lấy chiếc áo con đang mặc dở vứt ở góc giường bệnh để lau nước mắt …
Chị Ba kể chị có 2 đứa con, Minh là đứa lớn, đứa nhỏ mới được 16 tháng tuổi hiện đang được bố và ông bà chăm sóc trên quê. Nuôi Minh được hơn 1 tuổi thì gia đình phát hiện cháu có vấn đề về mắt. Đưa đi chạy chữa mãi ở viện Mắt nhưng không khỏi, cuối cùng gia đình đưa cháu đến viện K và phát hiện bị ung thư mắt (bên phải).
“Bác sỹ nói nếu may mắn thì cháu chỉ bị một mắt, nhưng nếu không thì có hi sinh mắt phải cũng không cứu được mắt còn lại. Cháu bị ở đâu thì không bị, lại đi bị ở mắt. Thương quá cô ơi …”, chị Ba nức nở.
Cả chị Tơ lẫn chị Ba có hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi mà chỉ có nghề làm ruộng. Ra bệnh viện K chữa trị cho con, rất may chi phí hết nhiều nhưng các cháu đều có BHYT, gia đình chỉ mất những khoản không đáng kể. Tuy nhiên, nỗi đau về tinh thần thì không kể xiết …
Nhiều bệnh nhi ung thư khi đến viện đã muộn
Theo Tiến sĩ Trần Văn Công, Trưởng khoa Nhi thuộc bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp thì trên thế giới, ung thư là căn bệnh rất hiếm gặp ở trẻ em, với tỷ lệ rất nhỏ (1% trong tổng số các ca ung thư ở tất cả các độ tuổi).
Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhi ung thư chiếm khoảng 1,63% tổng số tất cả các ca ung thư ở mọi độ tuổi. Trong đó, ung thư bạch cầu giữ tỷ lệ cao nhất (30,8%), tiếp đến là u lympho ác tính (15%), u não ác tính (7,4%), …
Theo bác sỹ Công, điều đáng tiếc nhất là đa số các cháu được đưa tới viện khi đã khá muộn.
Tuy nhiên, “trời thương” nên các cháu cũng còn chút may mắn khi các cháu rất nhạy cảm với các liệu pháp điều trị như hóa xạ, tia xạ. Ngoài ra, các tiến bộ trong điều trị hóa chất cũng góp phần đáng kể nâng cao tỷ lệ sống cho các bé sau 5 năm (trong vòng 20 năm qua, từ 30% đã tăng lên 75%).
Có một vấn đề được đặt ra là hiện nay, quá trình điều trị cho các bệnh nhi ung thư vô cùng tốn kém. Những trẻ em dưới 6 tuổi được BHYT chi trả 100% nhưng với số trẻ đang đi học thì ngoài khoản BHYT chi trả, gia đình phải đồng chi trả 20% chi phí điều trị.
Đây thực sự là một gánh nặng lớn, đặc biệt là với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Cẩm Quyên (Theo VNN)
chia sẻ..