• Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan | 27/10/2012
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra | 27/10/2012
  • ASEM 9: “Bạn bè vì hòa bình, Đối tác vì thịnh vượng” | 27/10/2012
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Kinh tế - Chính trị - Xã hội » Phá thế độc quyền ngành điện nên thế nào?

Ngành điện Việt Nam có tổng dư nợ lớn, chi phí đầu tư cao, kinh doanh cũng thua kém liên tục trong những năm vừa qua. Trong khi đó giá điện tăng liên tục hơn chục lần mà chưa một lần giảm. Báo Năng lượng Mới xin luận bàn về những vấn đề nan giải này.

Thực trạng thị trường điện

Điện là một sản phẩm đặc biệt, không thể đầu cơ, tích trữ, sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thị trường điện Việt Nam hiện nay đang trên lộ trình hướng tới thị trường điện cạnh tranh. Theo lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam được Chính phủ phê duyệt phải mất 17 năm (từ năm 2005 đến 2022) mới có thể thực hiện. Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay thì 17 năm là quá dài, bất hợp lý. Chính vì vậy, phá thế độc quyền của ngành điện, lành mạnh hóa thị trường điện, chấm dứt cảnh “vừa đá bóng, vừa thổi còi kiêm trưởng giải” là sự tất yếu để đất nước phát triển lên tầm cao mới.

Hoạt động của ngành điện hiện nay vẫn ở thế độc quyền, đang vận hành theo mô hình liên kết dọc cũ kỹ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện đang sở hữu phần lớn các nguồn điện, nắm giữ toàn bộ hệ thống điều độ điện quốc gia (Ao), hệ thống truyền tải điện, hệ thống phân phối và kinh doanh, kể cả điện bán buôn, bán lẻ, điện cho khách hàng trong cả nước. Có thể nói, EVN vẫn là tổ chức duy nhất độc quyền kinh doanh điện trong toàn quốc, chưa có sự cạnh tranh mang tính chất thị trường ở bất cứ hoạt động nào trong ngành điện. Tuy được độc quyền kinh doanh điện nhưng kết quả kinh doanh của EVN được thông báo là lỗ.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, một trong những dự án công nghiệp điện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, một trong những dự án công nghiệp điện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Năm 2010, Kiểm toán Nhà nước xác định lỗ trong sản xuất kinh doanh của EVN lại lên đến trên 8.400 tỉ đồng, cộng với khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá hơn 17.000 tỉ đồng, tổng cộng lỗ trên 25.000 tỉ đồng. Tính đến thời điểm 31/12/2011, nợ phải trả của EVN lên đến gần 240.000 tỉ đồng. Kết quả kiểm toán xác định EVN hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu bằng nguồn vốn vay và vốn chiếm dụng, vay nợ dài hạn là chủ yếu, tỉ lệ nợ phải trả cao gấp 4,22 lần vốn chủ sở hữu, vượt quá mức giới hạn theo quy định của Chính phủ.

Một điều dễ nhận biết trong kinh doanh của EVN là giá điện ở Việt Nam từ năm 1992 đến nay chỉ điều chỉnh tăng trên 10 lần. Từ năm 2011 đến nay, giá điện tăng hơn 25%. Tính đến nay, giá điện bình quân (kể cả thuế VAT) là 1.506 đồng/kWh tương đương 7,2 cent/kWh. Giá điện qua các kỳ điều chỉnh còn mang nặng cơ chế hành chính, thiếu cơ sở khoa học, thiếu minh bạch nên khó thuyết phục được sự đồng thuận của các khách hàng sử dụng điện. Việc điều chỉnh tăng giá điện không được giải thích hợp lý khiến quảng đại quần chúng nhân dân bất mãn.

Bên cạnh đó, các yếu tố có thể giảm giá điện cho nhân dân như thời kỳ tăng công suất của các nhà máy thủy điện trong mùa mưa, giảm tổn thất, giảm giá thành… thì không được tính đến. Đây là điều không thể chấp nhận vì cơ chế thị trường thì giá điện có lúc tăng thì phải có lúc giảm, giá điện giờ cao điểm cao thì những giờ ít người dùng điện phải có mức chiết khấu hợp lý cho người tiêu dùng.

Việt Nam hiện là nước sử dụng điện năng kém hiệu quả và lãng phí nhất thế giới, trung bình mỗi năm ngành điện lực “tổn thất” 11% sản lượng (tổn thất kỹ thuật, tổn thất thương mại – nạn ăn cắp điện không thể kiểm soát). Nếu có thể giảm được tổn thất này thì sẽ tiết kiệm cho Nhà nước một khoản tiền khổng lồ, giảm giá thành tiền điện cho người dân, đồng thời giảm áp lực đầu tư tăng sản lượng điện khi phải xây một loạt nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu điện.

Chấm dứt vừa đá bóng vừa thổi còi

Để có một thị trường điện cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và toàn dân cần phải có một mô hình tổ chức quản lý hoạt động độc lập và cạnh tranh bình đẳng với nhau dưới sự quản lý của Nhà nước.

Muốn vậy cần sắp xếp lại tổ chức một số lĩnh vực của ngành điện như đưa công ty mua bán điện ra khỏi EVN về trực thuộc Bộ Công Thương hoặc Bộ Tài chính. Thành lập 3 công ty mua bán điện tại 3 miền để tăng tính cạnh tranh của mua bán điện. Chính phủ cần chuyển 3 tổng công ty phát điện (GENCO) vừa mới thành lập ra khỏi EVN để trở thành các tổng công ty phát điện độc lập trực thuộc Bộ Công Thương.

Từ đó, số nhà máy điện thuộc EVN được giảm xuống còn hơn 20%, không giữ một tỷ lệ cao và độc quyền nguồn điện như hiện nay. Như vậy, tính cạnh tranh đối với các nhà máy điện khác khi thực hiện mua bán điện sẽ được minh bạch hơn, tránh khỏi cảnh “con yêu, con ghét”. Giá mua điện của các tổng công ty mua bán điện được hạch toán bao gồm một số chi phí cho dịch vụ truyền tải, chi phí cho dịch vụ điều độ Ao và các chi phí khác. Giá chào bán điện của từng nhà máy phát điện thỏa thuận với tổng công ty mua bán điện phải được giám sát bởi các bộ, ngành liên quan.

Như vậy, tính khách quan, minh bạch trong khâu thực hiện bán buôn này sẽ tốt, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của nước ta cũng như người dân được hưởng lợi ích của việc dùng điện giá rẻ. Bộ Công Thương sẽ quản lý và tiến hành hạch toán độc lập hai tổng công ty truyền tải điện quốc gia (quản lý đường dây và trạm 500kV, 220kV) và điều độ điện quốc gia. Kinh phí hoạt động hai tổng công ty này lấy từ tổng công ty mua bán điện.

Với mô hình sắp xếp lại như trên thì cấp độ thị trường phát điện cạnh tranh và bán buôn EVN sẽ không còn độc quyền nữa, đồng thời giảm được gánh nặng về đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện, cũng như chia sẻ được nợ nần còn rất lớn của EVN.

Trong thời gian từ nay đến khi có thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo, Nhà nước cần quản lý về giá điện căn cứ vào cấp độ phát triển thị trường điện cạnh tranh. Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt giá bán lẻ bình quân và biểu giá điện khi lập và điều chỉnh giá điện cho toàn quốc theo đề xuất của Bộ Công Thương. Thủ tướng Chính phủ không quy định giá phát điện, giá bán buôn, các loại giá truyền tải, phân phối và giá dịch vụ hỗ trợ hệ thống điện. Các loại giá này sẽ được thương thảo bởi các đơn vị có liên quan đang tham gia thị trường điện dưới sự quản lý, giám sát của Bộ Công Thương. Chính phủ cần tiến hành minh bạch các chi phí sản xuất điện bằng việc bãi bỏ các loại phí đối với giá điện, không dùng khái niệm bù chéo trong giá điện mà chỉ nên quy định giá bán lẻ hợp lý cho từng đối tượng khách hàng trong biểu giá điện. Khi điều chỉnh giá điện cần tính đến các yếu tố mùa và công suất, sản lượng tăng thêm đối với nhà máy thủy điện giảm, tổn thất hệ thống điện, giảm giá thành…

Hiện nay, cả nước có 300 doanh nghiệp đầu tư quản lý các nhà máy điện, trong đó bao gồm các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty của Nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài và nhiều doanh nghiệp tư nhân quản lý, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang mong chờ có một thị trường phát điện cạnh tranh lành mạnh (thị trường bán buôn). Các nhà máy phát điện cũng phải tự chủ động trong việc xây dựng giá thành chào bán cạnh tranh tùy theo đặc thù của từng nhà máy, từng thời điểm. Trực tiếp đàm phán giá bán điện với tổng công ty mua bán điện một cách hợp lý nhất.

Thực hiện được các đề xuất tổng hợp trên, việc mở ra thị trường điện cạnh tranh, thị trường điện bán buôn mới có ý nghĩa thực tế, sau đó rút kinh nghiệm để phát triển thị trường bán lẻ. Cả hai cấp độ này nên thực hiện trong một thời gian từ 4 đến 5 năm (hoàn tất trong năm 2017) để đáp ứng đòi hỏi phát triển kinh tế xã hội và nguyện vọng của nhân dân.

Thành Công (Petrotimes)


Mạng chia sẻ:

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa