Chuyển từ “vai” doanh nhân sang làm nhiếp ảnh gia đã có cả ngàn ngày theo đuổi và trung thành chỉ với một đề tài: hoa sen từng được đề xuất là quốc hoa. Nhiều người ngỡ rằng Trần Bích… lẩm cẩm, là thiếu thực tế, là không thức thời. Thế nhưng, 17 lần tổ chức triển lãm “Đời Sen”, Trần Bích đã thu về tiền tỉ nhờ bán tranh và dành tất cả số tiền đó để làm từ thiện. Thành công của một nhiếp ảnh gia đăm đắm với sen đã chứng tỏ, nghệ thuật lẫn kinh tế luôn có chỗ đứng cho bất kỳ ai, miễn rằng người đó biết làm việc bằng tất cả lòng chân thành và lương tâm nghề nghiệp.
PV: Ông nói đời sen cũng như đời người, nhưng tôi thì thấy tất cả mọi sinh vật khác, các loài hoa khác kể cả hoa sen như người thôi, có sinh có lão, có bệnh có tử. Vậy điều khác biệt lớn nhất ở sen là gì, khiến ông đam mê đeo đuổi suốt mấy năm?
Nhiếp ảnh gia Trần Bích: Tôi không đồng ý với nhận định trên của bạn, không phải loài hoa nào cũng có được vòng đời như hoa sen. Hoa hồng, hoa lan, hoa cúc chẳng hạn, chỉ nở hoa rồi héo tàn. Hoa sen khác hẳn. Sen bắt đầu vòng đời của mình từ khi nó chỉ là cái ngó, rồi sau đó mọc thành cái lá, rồi thành búp, sau đó nở, rồi thành gương, sau khi già hạt rụng xuống, lại tiếp tục vòng đời khác… Như vậy, rõ ràng chỉ có hoa sen mới có vòng đời như vòng luân hồi của con người. Ngoài ra sen còn tượng trưng cho sự thanh khiết, bao dung, vượt khó của người Việt, dù sống trong môi trường nào thì sen vẫn nở hoa thơm ngát, như câu ca dao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Tôi đam mê và đeo đuổi đề tài sen suốt hơn 3 năm qua chính bởi những lý do đó.
PV: Vậy ông gửi gắm thông điệp gì với sen?
Nhiếp ảnh gia Trần Bích: Sau hơn 3 năm đắm đuối với sen, gần như lúc nào tôi cũng nghĩ về sen. Dù ban đầu, tôi đến với sen rất tình cờ và như một cái duyên. Khi lặn lội khắp mọi miền đất nước để tìm chụp sen, tôi đã cảm nhận được một điều là “đời sen” như “đời người” có yêu thương, có giận hờn. Tôi thấy, có những lá sen già, khô héo ôm ấp những bông sen nhỏ vào lòng như thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng, hoặc có những cây sen bị chất khai quang hủy diệt, thân cây co quắp tật nguyền nhưng đài sen vẫn nở hoa, thơm ngát cho đời. Cũng tựa như những con người bị chất độc da cam tàn phá, nhưng họ vẫn cố gắng vươn lên, dùng những ngón chân để gõ từng phím chữ, hay dùng hàm răng còn lại để cầm viết. Thật đáng thương và cao đẹp biết bao, họ đã sống và vươn lên như sen, tỏa hương thơm ngát như sen. Từ những suy như vậy, ngay cuộc triển đầu tiên tôi đã đặt tên “Đời Sen” và cái tên đó đã xuyên suốt 17 cuộc triển lãm của tôi. Các cuộc triển lãm của tôi ngoài mục đích góp phần vào văn hóa thưởng lãm vẻ đẹp của sen, còn được tổ chức với thông điệp “Sống thương yêu và hạnh phúc”.
PV: Thế nhưng, đối với giới trẻ, đối tượng cần được “tuyên truyền” nhiều nhất để kế thừa những giá trị mang tính di sản đó, thì lại còn thờ ơ với những vẻ đẹp tinh túy này. Thế giới của họ bây giờ là công nghệ số, họ sống quá gấp gáp, thời gian đâu để dừng lại ngắm một nụ sen chớm nở bên hồ. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Nhiếp ảnh gia Trần Bích: Tôi lại không nghĩ như vậy. Xã hội phát triển đòi hỏi chúng ta cũng phải thích nghi theo, đặc biệt là các bạn trẻ, nhưng không phải vì vậy mà họ quên đi nét đẹp tinh túy của tự nhiên. Tuổi trẻ Việt Nam năng động, sáng tạo và nhiều nhiệt huyết với tổ quốc, với quê hương, nên chúng ta cần làm một cái gì đó để đánh thức họ. Qua đây, tôi muốn nhấn mạnh một điều là hoa sen đã được bình chọn là quốc hoa, có lẽ không bao lâu nữa sẽ công bố. Tôi thấy chúng ta nên có một kế hoạch dài hơi để quảng bá hoa sen bằng các phương tiện truyền thông, báo chí để cho mọi người, trong đó có giới trẻ hiểu thêm về sen trước khi muốn quảng bá hoa sen cho bạn bè quốc tế. Và nên thành lập nhiều địa điểm bảo tồn các giống sen Việt Nam để người dân trong nước và du khách quốc tế có điều kiện tham quan thưởng lãm. Vì hiện nay các đầm sen bị thu hẹp khá nhiều bởi quá trình đô thị hóa. Nếu làm được như vậy thì hoa sen dần dần sẽ đi vào tiềm thức của giới trẻ thôi.
PV: Nghe có vẻ hơi thực dụng nhưng rõ ràng cơm áo không đùa với khách thơ, nhất là thời buổi khó khăn như hiện nay. Vừa là doanh nhân, vừa là nhiếp ảnh gia, hẳn ông có những suy nghĩ thực tế hơn những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
Nhiếp ảnh gia Trần Bích: Tôi không dám nghĩ mình vừa là doanh nhân vừa là nhiếp ảnh gia thì có những suy nghĩ thực tế hơn những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Cá nhân tôi cho rằng, để có các cuộc triển lãm thành công về tính nghệ thuật và thương mại thì mình phải có lòng đam mê thực sự và lao động nghiêm túc với tất cả sự chân thành của mình.
PV: Thực tế thì các triển lãm của ông rất thành công trên thương trường, bằng chứng là ông đã thu được tiền tỉ từ những bức ảnh chụp sen của mình. Hẳn phải có “bí kíp” nào đấy chứ?
Nhiếp ảnh gia Trần Bích: Cũng thật là may mắn cho tôi, vì hầu hết các cuộc triển lãm được tổ chức từ Bắc vào Nam đều được bà con, bạn bè, anh em nơi đó ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình. Một phần khách đến thưởng lãm đã đồng cảm với tôi về giá trị của những bức ảnh và công sức của tôi khi chụp nên họ đặt mua. Phần còn lại vì ý nghĩa nhân văn của cuộc triển lãm nên mọi người đã góp sức cùng tôi làm từ thiện, bằng chính số tiền bán được qua 17 lần tổ chức triển lãm.
PV: Để khám phá, khai thác hết vẻ đẹp của loài hoa này và truyền tải đến người xem, như là một di sản văn hóa của dân tộc?
Nhiếp ảnh gia Trần Bích: Trong thời gian tới tôi cũng chỉ chụp sen thôi, nhưng tôi sẽ cố gắng tìm những góc nhìn lạ hơn, diễn tả một cách sinh động nhất vẻ đẹp của hoa sen. Ngoài ra, cuối năm nay, tôi dự định tổ chức triển lãm “Đời Sen 18” và bán ảnh để giúp đỡ bà con nghèo vui tết nguyên đán ấm cúng hơn.
PV: Xin chúc ông thành công!
Thành Lê (Theo Petrotimes)
Hiện chưa có phản hồi nào.