Chính phủ Nhật ngày 20-9 tuyên bố Tokyo sẽ yêu cầu Bắc Kinh phải bồi thường thiệt hại mà các cơ quan đại diện ngoại giao của nước này phải chịu đựng trong những cuộc biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc vừa qua.
Thông báo này được Nhật đưa ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc đang cố gắng kìm nén sự phẫn nộ của người dân trong nước, cấm tất cả các cuộc biểu tình mặc dù quan chức nước này vẫn tiếp tục cuộc “khẩu chiến” với phía Nhật.
“Về những thiệt hại của đại sứ quán và lãnh sự quán, chúng tôi đang lên kế hoạch yêu cầu bồi thường (từ phía Trung Quốc) bởi đây là vấn đề giữa hai chính phủ” – chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura nói với các phóng viên tại Tokyo.
Riêng đối với những thiệt hại về tài sản của doanh nghiệp Nhật tại Trung Quốc sẽ được giải quyết theo luật pháp nước sở tại.
Trong một động thái thể hiện thiện chí hòa giải khác, ông Fujimura cho biết thêm rằng Nhật sẽ tiếp cận với phía Trung Quốc. “Thủ tướng đang xem xét khả năng gửi đặc phái viên như một phần nỗ lực của chính phủ nhằm tìm kiếm cách thức “hạ nhiệt” vấn đề này thông qua con đường ngoại giao. Song ở thời điểm này, chúng tôi chưa quyết định cụ thể xem ai sẽ được bổ nhiệm vào vị trí trên hoặc làm thế nào để gửi đặc phái viên tới Trung Quốc” – ông Fujimura nói.
Từ cuối tuần trước, hàng ngàn người Trung Quốc đã đổ xuống đường để chống đối Nhật. Họ đốt phá các cửa hàng và nhà máy Nhật Bản tại đây khiến một số hãng phải đóng cửa.
Cuộc biểu tình lên tới đỉnh điểm vào ngày thứ 3 (18-9) nhân kỷ niệm sự kiện Mukden năm 1931 khi đế quốc Nhật Bản tấn công một tuyến đường sắt thuộc quyền sở hữu của Nhật để làm cái cớ xâm lược và chiếm đóng vùng đông bắc Trung Quốc.
Sang đến ngày 19-9, Đại sứ quán Nhật tại Bắc Kinh xác nhận những người biểu tình đã không còn quay lại đây.
Tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku do Tokyo nắm quyền kiểm soát mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư đã xuất hiện từ những năm 1970 nhưng mới bùng phát trở lại trong vài tháng gần đây. Căng thẳng leo thang đột ngột khi Chính phủ Nhật tuyên bố đã mua lại ba đảo từ tay những người chủ sở hữu tư nhân.
Ngày 20-9, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật cho hay họ đang giám sát mười tàu hải giám Trung Quốc hiện neo đậu gần khu vực đảo tranh chấp.
NGUYÊN PHẠM (Theo AFP)
Hiện chưa có phản hồi nào.