• Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phát triển kinh tế luôn gắn với bảo đảm an sinh xã hội | 25/10/2012
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đoàn đại biểu của Liên hợp quốc | 24/10/2012
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc | 23/10/2012

Nhiều năm sau khi về nước theo lời kêu gọi của dân tộc, của Hồ Chủ tịch, bác sĩ Lương Định Của tâm sự với một người bạn thân: “Anh có biết vinh dự lớn nhất của đời tôi là gì không? Ấy là ngày tôi được cấp bằng bác sĩ nông học (tại Nhật) trùng với kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ: 19.5.1951. Một sự trùng hợp vô cùng lý thú”.

Nổi tiếng nơi xứ người

Cha mẹ mất lúc Lương Định Của mới 12 tuổi. Hồi nhỏ học Trường tiểu học Taberd ở thị xã Sóc Trăng, rồi chuyển lên Sài Gòn học trung học cũng tại Trường Taberd, đến năm thứ tư, Lương Định Của sang Hồng Kông học tiếp tại Trường La Salle College. Sau khi trúng tuyển đại học (ĐH), ông lên học tại ĐH Saint John’s ở Thượng Hải trong lúc chiến tranh thế giới lan rộng và ngày càng ác liệt.

Ông đã nghe theo tiếng gọi của dân tộc, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ vinh hoa phú quý về với đất nước còn nghèo để giúp bà con nông dân

Ông chuyển sang du học ở Nhật. Lương Định Của chọn học ngành nông nghiệp tại ĐH Tổng hợp Kyushu với hoài bão mang kiến thức về phục vụ đất nước.

Năm 1945, Nhật Bản thua trận. Để có thể tiếp tục theo học, Lương Định Của đã phải lăn lộn làm đủ nghề: gia sư, biên dịch tài liệu, phiên dịch tiếng Anh… Cô gái Nobuko Nakamura ở cố đô Kyoto đã đem lòng yêu ông, họ làm đám cưới trong năm 1945.

GS Lương Định Của và các con - Ảnh: Tư liệu

GS Lương Định Của và các con - Ảnh: Tư liệu

Năm 1947, Lương Định Của tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Kyushu. Ông xin vào phụ việc ở ĐH Tổng hợp Kyoto, tình nguyện không lương để được phép đọc sách ở thư viện và nghiên cứu, thực nghiệm một số giờ tại phòng thí nghiệm của nhà trường.

Nghe theo lời khuyên của BS Đặng Văn Ngữ, đã thành danh và về nước trước đó (1949), Lương Định Của ở lại Nhật thêm một thời gian để làm dày thêm tri thức. Mùa hè năm 1951, Lương Định Của bảo vệ xuất sắc luận án di truyền học với đề tài: “Cách xử lý đa bội thể di truyền nhằm tạo nên giống lúa mới”. Hội đồng khoa học Trường ĐH Tổng hợp Kyoto nhận xét Lương Định Của đã có cống hiến lớn cho nền nông học trong việc cải thiện giống lúa và nhất trí cấp học vị Bác sĩ nông học cho ông (ở Nhật học vị Bác sĩ là cao nhất).

Sau này có người không hiểu, định sửa thành Tiến sĩ đã bị ông phản đối. Lương Định Của là người trẻ nhất khi nhận học vị, cũng là người ngoại quốc duy nhất được cấp bằng Bác sĩ nông học tại Nhật Bản cho đến lúc bấy giờ. Mấy tháng sau, Lương Định Của được Bộ Giáo dục Nhật Bản bổ nhiệm làm giảng sư Trường ĐH Kyoto. Ông lại là người ngoại quốc duy nhất thời ấy được bổ nhiệm làm giảng sư chính thức ở một trường ĐH quốc lập của Nhật.

Tổ quốc là trên hết

Bác sĩ nông học Lương Định Của (16.8.1920 – 28.12.1975) sinh tại làng Đại Ngãi, H.Kế Sách, Sóc Trăng. Năm 1937, ông du học ở Hồng Kông rồi học di truyền học ở Nhật. Năm 1951, ông bảo vệ xuất sắc luận án Bác sĩ nông học tại Nhật. Ông đã có nhiều đóng góp cho nền nông nghiệp Việt Nam. Từ 1967 – 1975 ông là Viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm. Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động (1967), được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 1 năm 1996.

Khi cuộc kháng chiến của dân tộc còn đang gian nan, ông đã tìm các mối liên lạc để về nước. Tháng 9.1952, GS Lương Định Của trở về Việt Nam.

Sau một hành trình khó khăn, khi về đến Sài Gòn, GS Lương Định Của từ chối chức Thứ trưởng Bộ Canh nông của chính phủ Bảo Đại. Ông làm việc một thời gian ngắn tại Viện Khảo cứu nông nghiệp. Sau khi Hiệp định Genève được ký, liên lạc được với cách mạng, ông xin cho cả gia đình đi tập kết và ra đến Hà Nội vào ngày cuối cùng của năm 1954.

Ông đã nghe theo tiếng gọi của dân tộc, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ vinh hoa phú quý về với đất nước còn nghèo để giúp bà con nông dân.

Kể từ đó, nhà trí thức lớn dành hết cả phần đời còn lại lăn lộn trên ruộng đồng, dưới bom đạn để tạo ra các giống lúa mới giúp hậu phương miền Bắc đạt năng suất (thời đó là) “huyền thoại” 5 tấn/ha, góp phần đảm bảo lương thực cho cuộc kháng chiến vĩ đại của cả dân tộc. Các giống “lúa Lương Định Của”: nông nghiệp 1 (NN1), lúa chiêm 314, NN75-1, NN8-388, lúa mùa Saisubao, lúa xuân sớm NN75-5, các giống dưa lê, cà chua, khoai lang, dưa hấu không hạt, chuối, rau, táo… do ông tạo nên rất nổi tiếng ở miền Bắc.

Ông còn dạy bà con nông dân những kỹ thuật tiên tiến để thâm canh lúa, cấy “nông tay thẳng hàng”, “đảm bảo mật độ”… Những kỹ thuật đơn giản mà phù hợp được ông mang về và đã được hàng triệu nông dân miền Bắc áp dụng thành công. Điều đáng nói là những kỹ thuật tiên tiến đó thắng thế khi những khẩu hiệu tuyên truyền về “đại nhảy vọt” phi khoa học, phi thực tiễn vẫn vang lên trong đầu nhiều cán bộ lãnh đạo và quần chúng đây đó vẫn được huy động (cố) làm theo.

Nông dân gọi ông là “bác Của” theo cách thân mật dân dã của người trong nhà chứ không phải vì ông là “bác sĩ”. Họ cũng gọi những thành tựu khoa học của ông một cách đơn giản và thân mật như vậy: “lúa ông Của”, “khoai ông Của”, “dưa lê ông Của”…

GS Lương Định Của và vợ

GS Lương Định Của và vợ

Khi GS Lương Định Của về làm việc ở Viện Cây lương thực và thực phẩm, “bà Của” cũng theo về giúp ông. Sau này bà Nobuko Nakamura mới về làm việc ở Ban tiếng Nhật Đài tiếng nói Việt Nam. Như mọi gia đình cán bộ lúc đó, cả nhà GS cũng vất vả ly tán vì nhiệm vụ thời chiến: Ông làm việc ở Hải Dương, các con gửi vào trường học sinh miền Nam, bà sơ tán theo đài về gần chùa Thầy, Quốc Oai. Nhiều vất vả nhưng chưa bao giờ có ai được nghe từ vị GS một lời phàn nàn về cuộc sống khó khăn. Ông chỉ có một băn khoăn là không đủ tiền đặt mua tạp chí khoa học nước ngoài. Căn nhà tuềnh toàng của ông không lắp điện thoại nên đã làm nhiều học trò ông day dứt vì không kịp đưa thầy đến bệnh viện khi gặp cơn nhồi máu cơ tim đột ngột ngày 28.12.1975.

Ở Hà Nội, đường phố mang tên Lương Định Của chạy qua ngôi nhà cũ của ông. Ở TP.HCM, ngôi nhà “bà Của” và người con trai đang ở cũng trên đường phố mang tên ông. Đây là một trùng hợp thú vị khác.

Ngữ Thiên (TNO)


Mạng chia sẻ:

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa