Sáng 23/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã họp báo giới thiệu về Hội nghị WHO khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63, diễn ra tại Hà Nội từ 24 đến 28/9. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dự và phát biểu tại lễ khai mạc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: lần đầu tiên Hội nghị WHO khu vực Tây Thái Bình Dương được tổ chức tại Việt Nam, nhằm đưa ra các chương trình, mục tiêu về y tế cho những năm tới và giúp 1,8 tỷ người trong khu vực có những tiêu chuẩn cao nhất về chăm sóc sức khỏe. Hội nghị có sự tham dự của khoảng 300 đại biểu thuộc 37 quốc gia, vùng lãnh thổ và 22 Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn cùng nhiều quan chức cấp cao như Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của FAO, UNICEF và WFP, các cơ quan của Liên Hợp Quốc như UNDP, UNFPA, UNAIDS, các tổ chức phi chính phủ hoạt động tích cực trong lĩnh vực y tế. Hội nghị sẽ tập trung vào các vấn đề: phòng ngừa tai nạn thương tích, phòng chống thuốc lá, bạo lực, an ninh lương thực, dinh dưỡng, các bệnh nhiệt đới đã bị lãng quên, bệnh không lây truyền, loại trừ bệnh sởi, vv…
Là nước chủ nhà, Việt Nam sẽ tổ chức “Diễn đàn cấp cao về bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân”, do Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam và Giám đốc Khu vực châu Á Thái Bình Dương đồng chủ trì, nhằm truyền tải thông điệp hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân với chủ đề: “Nỗ lực của Chính phủ Việt Nam hướng tới bao phủ BHYT toàn dân và cơ hội hợp tác trong khu vực để sớm đạt được thành công”.
Trước sự quan tâm của báo giới về việc người dân vẫn phải bỏ tiền túi tới 47% khi đi khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Giải pháp để giảm sử dụng tiền túi của người dân đòi hỏi phải xây dựng cơ chế tài chính trong y tế, như tăng cường BHYT toàn dân, tăng quyền lợi ở gói dịch vụ y tế, nghĩa là phải tăng giá dịch vụ; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế từ cơ sở. Bộ Y tế đang triển khai xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình, nhằm giúp người dân bớt phải bỏ tiền túi khi đi khám chữa bệnh.
Trả lời câu hỏi về việc WHO quan tâm với các bệnh mới nổi, đại diện WHO cho rằng, các nước đều đạt được những kết quả đáng kể với việc chia sẻ thông tin, có năng lực phát triển, trong đó, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thành công dịch SARS và có kinh nghiệm để đối phó khi có dịch H5N1, H1N1 vv…. Việt Nam hiện là nước có tình hình nghiêm trọng về dịch tay-chân-miệng, vì chưa có vaxin phòng dịch, nhưng WHO cũng chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ. Việt Nam đã mời các chuyên gia của WHO giúp đỡ, nên hiện bệnh tay-chân-miệng đã giảm và số tử vong cũng giảm 70% so với năm trước. Ngoài ra, WHO cũng hỗ trợ Việt Nam để nghiên cứu và sản xuất vaxin phòng các dịch bệnh mới nổi như H5N1, H1N1, sốt xuất huyết, tiêu chảy trẻ em vv…
Việc đăng cai tổ chức hội nghị y tế quan trọng này đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và WHO, góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu trong khu vực và thế giới
Thanh Hằng (CAND)
Hiện chưa có phản hồi nào.