“Nội dung giáo dục thiên về lý thuyết, nặng về “dạy chữ”, chưa quan tâm đúng mức về “dạy người” – đó là một trong những bất cập của nền giáo dục hiện nay được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề cập nhân dịp năm học mới 2012 – 2013.
Tham dự lễ khai giảng năm học 2012 – 2013 tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM sáng ngày 9/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nhiều chia sẻ về giáo dục (GD) nước nhà. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, trong bài phát biểu, Thủ tướng nhắc đến nhiều bất cập của GD hiện nay.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, coi GD là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững, là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đến nay, nền GD nước ta đã có những bước phát triển rất đáng trân trọng: Quy mô mạng lưới cơ sở GD được mở rộng; chất lượng GD từng bước được nâng lên.
Chúng ta đã hoàn thành phổ cập GD tiểu học (năm 2000) và GD THCS (năm 2010). Hiện đang thực hiện phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi và đẩy mạnh thực hiện phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi.
Quản lý nhà nước về GD có chuyển biến tích cực. Công bằng xã hội trong GD và GD ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, HS, SV có hoàn cảnh khó khăn được giải quyết tốt hơn.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD, cơ sở vật chất – kỹ thuật, nội dung và phương pháp giảng dạy có nhiều tiến bộ. Ngày càng có nhiều HS, SV chăm ngoan, học giỏi, đạt kết quả cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
Kết quả này đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta từ 16% năm 2000 lên trên 40% năm 2011, đóng góp thiết thực vào tiến trình phát triển của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, GD và đào tạo nước ta còn những bất cập, yếu kém, chất lượng GD chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội.
GD kiến thức về xã hội, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng thực hành còn kém, chưa phát huy khả năng tự học, tính chủ động sáng tạo của người học. Việc tham gia các hoạt động xã hội của HS, SV còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về GD còn bất cập.
Thủ tướng cho rằng, nội dung GD thiên về lý thuyết, nặng về “dạy chữ”, chưa quan tâm đúng mức về “dạy người”. Chương trình, phương pháp dạy và học chậm được đổi mới. Cơ sở vật chất trong nhiều trường học còn thiếu, lạc hậu và sử dụng kém hiệu quả. Một số hiện tượng trong GD và đào tạo chậm được khắc phục, từ khâu tuyển sinh đến dạy học, thi cử, cấp bằng, lạm thu, gây bức xúc xã hội.
Năm học 2012 – 2013 là năm thứ hai thực hiện Chiến lược phát triển GD giai đoạn 2011 – 2020. Trong đó phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền GD quốc dân là một khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước. GD có sức mệnh nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Theo Thủ tướng, để thực hiện được nhiệm vụ của năm học mới, các trường trong cả nước tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đã đạt được; nỗ lực, phấn đấu khắc phục hơn nữa khắc phục các hạn chế, yếu kém thi đua dạy tốt – học tốt. Trong đó tập trung vào 4 nội dung sau:
1. Quan tâm xây dựng tập thể sư phạm nhà trường ngày càng vững mạnh về mọi mặt, hết lòng vì sự nghiệp GD. Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý về cả số lượng và chất lượng, gắn với đổi mới căn bản, toàn diện nền GD quốc dân.
Mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý GD phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, đạo đức nghề nghiệp, sáng tạo trong công việc, tận tâm, tận tụy, hết lòng vì thế hệ trẻ, vì HS thân yêu, thực sự là tấm gương sáng để HS noi theo.
2. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp dạy và học, thực hiện dạy chữ gắn với dạy người, quan tâm rèn luyện kỹ năng tự học, tính tự lập;
tích cực, chủ động sáng tạo, phát triển tư duy trong học tập, tạo thói quen nghiên cứu, ý chí phấn đấu vươn lên và khát vọng cống hiến cho HS. Đồng thời chú trọng nâng cao khả năng ngoại ngữ, tin học và định hướng nghề nghiệp cho HS.
Nâng cao hiệu quả quản lý GD, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt công tác dạy học và theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Trong đó triển khai có hiệu quả chương trình kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý GD.
3. Đối với các trường chuyên, cùng với mục tiêu phấn đấu có nhiều HS đoạt giải quốc gia, quốc tế, các trường phải phát huy vai trò trong việc phát hiện và đào tạo nhân lực có chất lượng cao. HS của trường không chỉ giỏi các môn học chuyên mà cần giỏi về nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, các ngành công nghệ mũi nhọn như công nghệ thông tin, công nghệ sinh hóa, môi trường…
4. Các em HS phải thực hiện tốt nhiệm vụ học tập bằng việc rèn luyện và có phương pháp học tập tích cực, kết hợp chặt chẽ giữa học và hành. Đồng thời không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách; tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, phấn đấu để thực sự là con ngoan trò giỏi, lớn lên trở thành những công dân gương mẫu – chủ nhân tương lai của đất nước để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của các lớp đàn anh đi trước, đáp ứng sự mong muốn và kỳ vọng của gia đình và toàn xã hội.
Hoài Nam (Dantri)
Hiện chưa có phản hồi nào.