Không học ngành sử, không chuyên nghiên cứu lịch sử nhưng ông nông dân chăn bò Mai Công Tài, ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM lại được nhiều thầy cô ở những trường học quanh vùng mời tới kể sử cho học trò nghe vào những dịp lễ như ngày cách mạng Tháng Tám, ngày Nam bộ kháng chiến… Bí quyết nào giúp ông chinh phục những cô nhóc, cậu nhóc chỉ mê chơi game, đọc truyện tranh?
Những chuyện sử không có trong sách vở
Không biết từ khi nào biệt danh Mai Công Tài- ông nông dân nuôi bò sữa, kể sử, làm thơ… đã lan từ 18 thôn Vườn Trầu xuống tới trung tâm thành phố. Không hề qua một trường lớp nào dạy về ngành sử, cơ duyên nào đưa ông trở thành người nông dân kể chuyên sử như kể chuyện đời xưa như vậy? Ông Mai Công Tài cười, miệng móm sọm, khoe độc một cái răng ở hàm trên. Ông vui vẻ nói: “trước đây tôi làm trong hội nhân dân xã nên thường xuyên tiếp xúc với bà con nông dân tôi dần rèn được cách nói chuyện trước đông người. Một phần nữa, tuy không phải là người trực tiếp tham gia chiến tranh nhưng gia đình tôi đều là những chiến sỹ cách mạng, ngoài ra tôi được nghe rất nhiều câu chuyện lịch sử kể về truyền thống đấu tranh của nhân dân Bà Điểm trong kháng chiến chống thực dân Pháp, như Trương Định, Trương Quyền, Nguyễn ẢnhThủ, Phan Văn Hớn. Thấu hiểu được truyền thống đấu tranh bất khuất của quê hương mình tôi trở thành người kể chuyện sử lúc nào không hay biết.
Nghe ông kể về cách mạng Tháng Tám, Nam kỳ khởi nghĩa, ông không hề nói tới những chuyện vĩ mô to tát, không dùng mấy từ ngữ nghe xa lạ khó hiểu với con nít như: “bí thư xứ ủy, mặt trận đồng minh…” mà chọn những người thật, việc thật xảy ra ở chính mảnh đất 18 thôn Vườn Trầu này. Gặp học sinh cấp I, ông kể chuyện ngày xưa “con nít cỡ bằng tụi mấy con bây giờ cũng làm giao liên được hết. Buổi trưa, mỗi đứa cầm một cái cần đi câu cá, nhóm vài ba đứa một khúc cây giả đò đánh trận hay chọc phá nhau chơi, đuổi nhau chạy cùng xóm. Bên trong chiếc cần câu, khúc cây đó có nhét tài liệu để chuyển tới tay người đằng mình”. Còn với học sinh cấp II, III, ông khéo léo chọn những câu chuyện người lớn hơn một chút. Như chuyện tình của cô giao liên xinh đẹp Nguyễn Thị Chiều và anh Nguyễn Ảnh Trảo. Cô Chiều đi chuyển lương thực cho cách mạng, bị giặc bắt lấy xích xe đạp khóa chân, bắn chết xô xuống giếng. Nghe tin người yêu chết, anh Trảo không khóc mà ngồi im lặng lau súng sáng đêm. Rồi anh trở thành chiến sỹ ám sát cực kỳ lợi hại, giết được nhiều tay sai ác ôn khét tiếng. Nghe tới tên anh là bọn giặc khiếp sợ, chúng tổ chức mật phục để bắn chết anh sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1947.
Rồi khi kể về truyền thống đấu tranh của nhân dân 18 thôn Vườn Trầu, xã Bà Điểm ông như lặng người xuống và bồi hồi nói: “chiến tranh đi qua đã lâu nhưng những mất mát mà nó để lại quá nhiều, có như vậy những người như chúng tôi được ngồi ở đây càng thấy trân trọng hơn những hy sinh thầm lặng của các chiến sỹ cách mạng xưa. Ví như gia đình tôi có ông anh họ hồi chiến tranh đi tập kết ra Bắc rồi lấy vợ và sinh con ngoài đó luôn, 15 năm sau đó về chiến đấu miền nam, có lần đi ngang qua chợ Bà Điểm, nhìn từ xa đã thấy nhà mình rồi vậy mà cũng không thể ghé vào thăm mẹ một chút, sau này kháng chiến thành công trở về thì mẹ già đã không còn nữa”. Kể đến đây ông ngậm ngùi đọc câu thơ.
Chiến tranh khốc liệt gieo tang tóc
Đã đi qua biết mấy chiến trường
Có lúc dừng quân gần xóm cũ
Cồn cào dõi mắt ngóng quê hương
Một sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn đối với Bà Điểm, Hóc Môn là vào tháng 3 năm 1935, sau khi dự Hội Nghị Trung ương Đảng họp ở Ma Cao (Trung Quốc) về, đồng chí Võ Văn Ngân lúc đó được BCH Trung ương Đảng đã cùng đồng chí Hà Huy Tập quyết định chọn Bà Điểm làm nơi trú đóng và hoạt động của Trung ương Đảng từ năm 1936 đến năm 1939, suốt thời gian trên nhân dân Bà Điểm, Hóc Môn đã làm tròn xứ mệnh lịch sử của mình để có niềm vinh dự tự hào chính đáng hôm nay và cả thế hệ mai sau.
Kể sử như kể chuyện đời
Hồi xưa ông là nông dân trồng trầu, tới năm 1962, chính quyền cũ cho giải tỏa vườn trầu làm Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Cha ông dọn bỏ vườn trầu bị cái nọc dầm đâm vô chân, về phát bệnh phong đòn gánh chết. Ông trầm tư: “năm đó tui mất vườn trầu, mất luôn người cha. Là anh cả trong nhà, dưới còn bốn đứa em, tui mới học hết tú tài phải bỏ ngang đi làm thơ ký, dạy kèm, phụ bán quán ăn để nuôi em. Tới chừng lấy vợ, hai vợ chồng bắt đầu nuôi bò sữa.” Một tay ông vắt sữa bò đem bán, nuôi hết bầy con ăn học nên người. Thời gian làm ở hội nông dân xã, ông có dịp đi tận nơi tiếp xúc với bà con nông dân, nói đủ chuyện trên trời dưới đất.
Ngày qua ngày, ông trở thành người am hiểu lịch sử 18 thôn Vườn Trầu. Những câu chuyện ông kể thường không có trong sách vở. Đến khi nhà truyền thống xã Bà Điểm ra đời, ông trở thành hướng dẫn viên tình nguyện đặc biệt, dù không hưởng lương. Mỗi lần có đoàn khách quan trọng, mỗi khi báo đài cần tìm hiểu lịch sử địa phương, anh em Ban tuyên giáo huyện ủy Hóc Môn, lãnh đạo xã Bà Điểm lại “gọi chú Tài”. Nghe điện thoại có đoàn tới thăm quan là ông lại túc tắc đạp xe tới. Trên cổ xe đạp treo một cái cặp nhỏ bằng cuốn tập. Trong cặp là dây ăng ten gãy của cái Radio. Khúc ăng ten được ông tỉ mỉ lồng một đoạn trúc nhỏ ở đầu cây để làm tay cầm. Rú ăng ten ra ông chỉ vô từng tấm hình, từng hiện vật, ông nông dân chăn bò vụt hóa thành anh hướng dẫn viên du lịch nhiệt huyết, say sưa. Ông còn sẵn lòng dẫn khách làm một vòng “Hóc Môn tour” đi thăm những địa chỉ đỏ, luồn trong hẻm nhỏ gặp các nhân chứng lịch sử. Và tất nhiên tour này hoàn toàn miễn phí. Ngoài kể sử ông còn sáng tác truyện ngắn, viết báo, làm thơ, đọc vè.
Hễ có ai hỏi về nghề nghiệp của mình, ông Mai Công Tài thường nheo mắt đọc một câu thơ, lấy tứ từ một câu trong truyện Kiều.
Thất nghiệp gặp lúc khó khăn
Nuôi bò vắt sữa kiếm ăn lần hồi…
B.T
Hiện chưa có phản hồi nào.