Là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, Nhật Bản và Trung Quốc có thể gây tác động đến kinh tế toàn khu vực trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay.
Ông Setsuo Iuchi, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Nhật tại Thái Lan (Jetro) và ông Joe Mannix, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thái Lan (AmCham) đều tỏ ra lo lắng về việc tranh chấp quần đảo Senkaku hay Điếu Ngư giữa 2 nước. Họ hy họng rằng 2 nước sẽ sớm có biện pháp giải quyết vấn đề này để đảm bảo và duy trì sự tăng trưởng của khu vực, nhất là trong thời điểm khủng hoảng tài chính tại Châu Âu vẫn chưa chấm dứt.
“Ảnh hưởng của xung đột này tới nền kinh tế Châu Á còn tùy thuộc diễn biến và thời gian của nó”, ông Iuchi cho biết, “Tình hình ngày càng xấu đi đã khiến đôi bên ngày càng bất mãn với nhau. Tôi thật sự không muốn biến động lớn nào xảy ra. Tôi hi vọng rằng họ sẽ tìm được mọt giải pháp an toàn”.
Mặc dù vậy, cuộc tranh chấp này sẽ có thể có lợi với Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác. Nhật có thể sẽ phải chuyển hướng đầu tư sang Đông Nam Á thay vì Trung Quốc. Và như thế Thái Lan, với điều kiện kinh tế lý tưởng, có thể trở thành trung tâm đầu tư mới của Nhật. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng bởi thị trường nội địa rất lớn của họ.
Ông Mannix cũng bày tỏ quan điểm tranh chấp Trung-Nhật sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Châu Á. Cho đến nay thì nền kinh tế này được coi là ổn định bất chấp khủng hoảng ở Châu Âu và sự hồi phục chậm chạp của kinh tế Mỹ.
Các công ty của Nhật phải đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc bởi biểu tình của người dân trên diện rộng. Hàng tỷ đôla đầu tư và nhiều hơn thế trong buôn bán và xuất nhập khẩu giữa 2 nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới đang bị đe doạ.
Trung Quốc và Nhật phụ thuộc khá lớn vào nhau và bất kì gián đoạn lâu dài nào cũng ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của 2 nước. Theo hãng tin AP, những nhãn hiệu lớn bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi làn sóng biểu tình tại Trung Quốc vừa rồi, trong khi những hãng kém tên tuổi hơn hầu như được “an toàn”.
Toyota, nhà sản xuất xe ôtô lớn nhất thế giới, từ chối bình luận về kế hoạch cụ thể của hãng đối với 3 xưởng lắp ráp và 6 nhà máy khác tại Trung Quốc. “Một số nhà máy sẽ hoạt động và một số khác sẽ đóng cửa”, một đại diện của hãng cho biết. Còn Honda, công ty hàng năm sản xuất khoảng 970.000 xe máy và ôtô các loại, cho biết đã đóng cửa tất cả 5 nhà máy của họ. Hãng Nissan tạm thời đóng 2 trong 3 nhà máy. Canon và Panasonic cũng đã cho vài nhà máy dừng hoạt động.
Tùng Vũ (VNE)
Hiện chưa có phản hồi nào.