Vì chiều lòng vợ, T gửi mẹ của mình đến trung tâm này nhờ nơi đây chăm sóc hộ. Chở mẹ đến trung tâm, mẹ anh khóc như mưa, cầm tay anh bà năn nỉ anh chở về nhà nhưng tất cả đều vô ích, T phủi tay bước đi không thèm nhìn lại.
Đó là câu chuyện làm đắng lòng người về tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả tại một trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần Tp.HCM của bà mẹ tên Quyên. Dù con có đối xử thế nào, người mẹ ấy vẫn một mực thương con và không đồng ý bất cứ ai chê trách con của mình.
Một đời khổ cực nuôi con.
Đến trung tâm đón chị về sống chung với mình, cô Nhàn kể: “Nó gọi đây là trung tâm dưỡng lão, gửi mẹ nó vào trung tâm này để rảnh tay, rảnh chân xây dựng mái ấm riêng của nó. Mẹ nó cực khổ tảo tần buôn gánh bán bưng nuôi nó thành đạt rồi bây giờ nó báo hiếu mẹ nó thế đấy”. Cô bức xúc về đứa cháu đứt tôn của gia đình- con của chị ruột mình.
Kể từ ngày chồng mất, mặc dù có người muốn cưới bà về làm vợ nhưng bà khước từ, không muốn tiến thêm bước nữa mà ở vậy nuôi T. Bà đi làm thuê hết mùa mưa đến mùa nắng, bệnh không dám nghỉ, ai mướn gì bà cũng làm. Cô Nhàn bảo: “Có bữa đi mót ve chai trúng nắng, về chị sốt quá chừng mà không dám mua thuốc uống. Thằng T bảo gần đến ngày đóng tiền trường, chị ấy đi cùng xóm vay mượn người chút ít. Bị người ta xỉ nhục, chị vẫn quỳ gối nan nỉ xin người ta cho mượn tiền, nước mắt lưng tròng nhưng về nhà chị vẫn mỉm cười với thằng T. Chị sợ nói nó biết nó nghỉ học”.
Vì có mình T là con nên bà thương quí lắm. Bà chăm sóc con rất cẩn thận, cẩn thận đến từng làn hơi nên lúc thấy con thở hổn hển, đuối sức bà liền dẫn con đi khám bệnh. Bác sỹ nói T cần phẩu thuật mới mong qua khỏi, không đắn đo suy nghĩ, bà sẵn sàng bán 2 cây vàng chồng để lại cho mình trước khi mất để cho T thông phổi. Đó là số vàng mà lúc bà bị đau tim, bà thà ôm bệnh chứ không nỡ lòng nào bán.
Tiền có được bà không dám tiêu xài mà gói ghém để dành nuôi T ăn học. Dù nghèo nhưng bữa cơm của T chưa bao giờ thiếu cá, thịt. Còn bà thì thường niên rau luộc, nước tương. Mỗi khi T hỏi sao mẹ không ăn cá kho với con, bà luôn nói lấp rằng muốn ăn chay, tích phước cho con. Nói vậy thôi, chứ ai cũng hiểu lí do vì sao bữa cơm của bà chưa từng có thịt hay cá!
Vất vả rồi T cũng thành tài, tốt nghiệp trường đại học danh tiếng thành phố, đi làm có tiền sửa lại căn nhà và cưới được cô vợ khá giả. Gia đình ai cũng tưởng bà sắp được hưởng phước rồi, được nghỉ ngơi không phải bươn chảy cực khổ như ngày xưa nữa nhưng nào ngờ…
Bởi không muốn sống chung với mẹ chồng, không muốn phải chăm sóc người già lớn tuổi, vợ T đã đề nghị chồng gửi mẹ nhờ trung tâm nuôi dưỡng người nghèo neo đơn chăm giúp. Không hiểu sao, T đã làm theo đề nghị nhẫn tâm của vợ mình, đối xử vô tình vô nghĩa với mẹ – người đã hy sinh suốt đời vì T.
Nước mắt chảy xuôi !
Ai hỏi bà Quyên, sao con gửi bà vào trung tâm thì bà đều nói tốt cho con. Bà bảo: “Già rồi nhiều khi lẫn, lúc tỉnh lúc mê gây bất tiện cho con. Năn nỉ lắm con mới cho vào đây đó chứ. Vào đây có nhiều bạn, mình thấy vui hơn ở nhà. Con đi làm suốt ngày, tối về mệt mà có mình tụi nó đâu có thời gian thư giản. Phải lo cho mình nữa tội lắm”. Người không biết hoàn cảnh của bà nghe bà nói ai cũng cười rồi bảo thương con gì mà thương dữ thế. Còn người thân hiểu hoàn cảnh của bà thì chua xót ngậm ngùi.
Bữa cô Nhàn đi rước bà về nhà, bà nói: “Về rồi thằng T biết có buồn không. Ở trong đây nhớ nhà, nhớ con, nhớ bàn thờ của ổng, thèm bữa cơm ăn chung với con như ngày nó chưa có vợ, thèm được con đi làm về kêu mẹ ơi, mẹ đâu rồi”.
Chạnh lòng quá, cô Nhàn kêu bà đừng quan tâm đến thằng con (bất hiếu) đó nữa, nó đâu thương chị, thì bà Quyên liền rầy cô Nhàn: “Nó có sao cũng là con mình. Nhìn nó giờ sống hạnh phúc, mình vui hơn là nó khổ sở. Đừng có la nó, chị không muốn cô đối xử với nó như vậy đâu. Chị có sao cũng chịu được, miễn sao con nó vui là chị vui rồi. Cô còn nói thằng T vậy nữa, chị giận cô đấy”.
Nói xong rồi cô Nhàn chỉ biết lủi thủi đưa bà Quyên về nhà mình ở mà không dám nói thêm điều gì. Không biết, hiện giờ anh T có biết được tình thương cao cả của mẹ dành cho mình? Đến bao giờ anh mới đón mẹ mình về nhà? Và đến bao giờ anh mới biết, mẹ anh chỉ có một trên đời…?
*****
Câu chuyện của anh T chỉ là một trong số đông những người con vô tâm với mẹ mình, sống ích kỷ chỉ biết lo hạnh phúc cá nhân mà quên đi sự hy sinh lặng thầm của mẹ. Hy vọng rằng, câu chuyện tình mẫu tử và những trải lòng của người mẹ khao khát được sống cùng con của cô Quỳnh sẽ chạm được vào trái tim những người con đã và đang quên mẹ, để rồi sau đó nghĩ về người mẹ của mình một đời lam lũ, làm tất cả vì mình mà thương, mà nuôi dưỡng mẹ như mẹ từng nuôi dưỡng mình.
Thanh Trúc
Hiện chưa có phản hồi nào.