Hào hứng với gợi ý của Thủ tướng về việc xây nhà thu nhập thấp giá 2-4 triệu đồng mỗi m2, các doanh nghiệp cho rằng loại nhà này không nên cao quá 5 tầng, và chỉ nên quy hoạch ở vùng ven.
Tại hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cần có chính sách để nhà thu nhập thấp ở đô thị chỉ nên có giá 2-4 triệu đồng mỗi m2. Như vậy mỗi căn hộ rộng 50 m2 chỉ khoảng 150-200 triệu đồng, phù hợp với khả năng chi trả của người thu nhập thấp.
Trong khi giá nhà thu nhập thấp ở Hà Nội hiện ở mức 9-11 triệu đồng mỗi m2 cao gấp đôi so với ở Đà Nẵng, Bình Dương thì thông điệp của Thủ tướng được nhiều doanh nghiệp tán đồng. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Đất Lành nhìn nhận, nếu được Nhà nước hỗ trợ, nhà 200 triệu đồng không phải “chỉ trong mơ” bởi vừa qua Becamex Bình Dương cũng đã tung ra thị trường căn hộ có giá 130-150 triệu đồng.
Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp bất động sản vẫn bị áp lực vốn đè nặng. Ông Lê Ngọc Ước, Phó giám đốc Công ty đầu tư hạ tầng Viglacera, chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp Đặng Xá, cho hay, bản thân rất muốn xây nhà giá rẻ song nhiều doanh nghiệp lực bất tòng tâm vì giá cả đầu vào tăng cao. “Cố hết sức”, thì rẻ nhất, nhà thu nhập thấp cũng vào khoảng 10 triệu đồng mỗi m2. Do đó xây nhà giá rẻ chỉ thành hiện thực khi có Nhà nước hỗ trợ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng thừa nhận, giá đất ở Hà Nội, Hòa Bình và Thanh Hóa là hoàn toàn khác nhau nên giá nhà thu nhập thấp mỗi nơi một khác. Nhà nước đã có cơ chế là không thu tiền sử dụng đất nhưng doanh nghiệp vẫn phải mất tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Giá đền bù vẫn theo cơ chế sát thị trường ở điều kiện bình thường. “Mặc dù nhà thu nhập thấp bị khống chế lợi nhuận nhưng khi mua đất theo giá thị trường thì doanh nghiệp phải tính vào giá thành”, ông Nam chia sẻ.
Phó giám đốc Công ty TNHH Đất Lành hiến kế, nhà thu nhập thấp chỉ nên khoảng 5 tầng để hạn chế tối đa chi phí thay vì 15 tầng như chung cư thương mại. Khu nhà thấp tầng, do không phải đầu tư khuôn viên, đường bộ cây xanh, tiểu cảnh và có thể được bán được 90% diện tích nên giá thành chỉ khoảng 2,7 triệu đồng mỗi m2. “Bán với mức giá 4 triệu đồng, doanh nghiệp vẫn có lãi”, ông Đực nói.
Ngoài ra, thủ tục hành chính phải tinh giản tối đa, tránh để luật chồng chéo như hiện nay, một dự án phải trải qua hàng chục thủ tục trong thời gian nhanh nhất cũng đã 2-3 năm trời sẽ gây khó khăn cho chủ đầu tư. Thủ tục chính là nguyên nhân khan hiếm căn hộ và đẩy giá thành lên cao. Theo ông Đực cần có một cơ quan nghiên cứu điều tra xã hội học về nhu cầu nhà ở xã hội, từ đó đề ra những chiến lược chỉ tiêu, biện pháp thực hiện một cách khả và bền vững. “Cơ quan này có thẩm quyền nhanh chóng bãi bỏ những thủ tục rườm rà để thủ tục đầu tư chỉ mất từ 6 tháng đến 1 năm”, ông Đực nói.
Vốn – vấn đề đau đầu nhất đối với doanh nghiệp – có thể lấy từ tiền bán đất công nội thành hoặc trích từ tiền sử dụng đất. Cách tốt nhất, theo lãnh đạo Đất Lành, là được Nhà nước hỗ trợ điều kiện hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội. Sau khi có đất “sạch”, Nhà nước sẽ đấu thầu để chọn doanh nghiệp nào có giá tốt rẻ “vào cuộc”. “Nên quy hoạch khu nhà thu nhập thấp đồng bộ thành một vùng riêng thay vì xen lẫn với chung cư thương mại như hiện nay để kéo giá thành xuống”, ông Đực nói.
Còn lãnh đạo Viglacera cho rằng, điều quan trọng là Nhà nước phải đưa ra được chính sách và doanh nghiệp được hỗ trợ tiền. Nếu được ưu đãi miến thuế VAT(10%), hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng (10%), tiền sử dụng đất (10%) thì giá bán hạ xuống còn khoảng 7 triệu đồng, vẫn còn cao hơn nhiều so với “mục tiêu” 2-4 triệu. Ông Ước tính toán, như vậy, chỉ có cách xây nhà ở vùng ven nhà cao khoảng 5-6 tầng kèm hai “không” là không móng, không cầu thang máy mới có thể kéo giá thành xuống.
Tuy nhiên, cái khó nhất, theo ông Ước là xác định thị trường vùng ven. Viglacera đã từng xây nhà thu nhập thấp ở Bắc Ninh, cách Hà Nội 25 km thì giá nhà thu nhập thấp cũng đã lên tới 7-8 triệu đồng mỗi m2. “Vùng ven là vùng nào, người dân có lên đó sống không, đi lại bao xa để về đến trung tâm và đi làm. Nếu tận Hoài Đức, Ba Vì thì người dân không ai lên đó ở”, ông Ước lo ngại.
Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc công ty Bất động sản Navigat đánh giá, nhà thu nhập thấp giá rẻ mang tính chất an sinh cao song cần phải “cẩn trọng” để tránh xảy ra tái hiện tượng nhà tập thể cũ lụp xụp. Thành phố Hà Nội có 23 khu chung cư cũ, xuống cấp và nhiều nhà chung cư biệt lập cần được xây dựng lại. “Trong khi các khu cũ còn chưa cải tạo xong thì việc xây những khu nhà thấp tầng phải có quy hoạch rõ ràng để tránh tình trạng ‘quá khứ lặp lại”, ông Quang nhấn mạnh.
Trao đổi với VnExpress.net, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, khi Nhà nước hỗ trợ thì giá đất sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng thẳng thắn, cơ chế giúp đỡ người thu nhập thấp ở đô thị không thể giống người nghèo ở nông thôn. Bởi nông thôn có quỹ đất sẵn chỉ cần dựng nhà lên, trong khi đó, đô thị cần có quy hoạch hạ tầng, cây xanh, đường nhựa và đặc biệt là đất. Mỗi m2 đất ở Hà Nội có khi lên tới 500 triệu, nếu cho mỗi hộ dân hàng tỷ để mua đất thì sẽ không công bằng bởi người dân ở nông thôn chỉ được hỗ trợ 8 triệu đồng.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng đánh giá quy hoạch các nhà thu nhập thấp thành từng khu ở vùng ven có thể khả thi nếu chính quyền địa phương sát sao. “Bộ Xây dựng sẽ cố gắng xây dựng theo cơ chế đó để giá giảm ở mức gần gần như thế. Giá sẽ thấp đi bằng nhiều cách, tất nhiên với điều kiện Nhà nước cho một phần”, ông Nam nói.
Hoàng Lan (Vnexpress)
Hiện chưa có phản hồi nào.