Hiện tượng “điệu nhảy ngựa” Gangnam Style là một minh chứng nữa cho sự mở rộng của cộng đồng fan Kpop trên toàn thế giới. Mà nguồn gốc của nó chính là một hệ thống đào tạo toàn diện và linh hoạt.
All in one
Với sự ra mắt của các nhóm mới mỗi năm, áp lực để trở thành một ngôi sao Kpop có thể trụ vững trên sân khấu ngày càng đè nặng lên bản thân các nghệ sĩ tương lai cũng như các công ty âm nhạc. Các ca sĩ, nhóm nhạc được đào tạo tại các studio của Hàn thường được xem là có chất lượng cao hơn các quốc gia khác vì cách thức họ được huấn luyện cũng như việc uốn nắn đã bắt đầu từ khi các nghệ sĩ còn rất trẻ.
Hệ thống đào tạo được hầu hết các công ty âm nhạc của xứ sở kim chi áp dụng là All-In-One (tất cả trong một) xoay quanh 4 chiến lược lớn là tuyển chọn, huấn luyện, trình làng và giới thiệu ra toàn cầu. J.Y. Park – ông chủ của JYP Entertainment cho biết: “Bề ngoài các nhóm nhạc Hàn có vẻ như chỉ là những nhóm nhạc thần tượng được đào tạo theo một tiểu chuẩn chung phổ biến. Tuy nhiên, ít ai biết rằng phương thức này phải phù hợp theo từng cách khác nhau để tìm ra phong cách độc đáo cũng như cá tính riêng cho từng nghệ sĩ, từng nhóm nhạc.
Hệ thống đào tạo này chưa bao giờ xuất hiện trước đây tại bất kỳ một quốc gia nào khác. Mỗi học viên sẽ trở thành thành một nghệ sĩ thực thụ được trang bị hành trang tốt nhất.” Hong Seung Sung – CEO của Cube Entertainment bổ sung: “Bên cạnh việc đào tạo các kỹ năng then chốt như thanh nhạc, vũ đạo, diễn xuất, ngôn ngữ, cách giữ trọng lượng, nhào lộn và rap. Các nghệ sĩ còn phải tham gia giúp đỡ cộng đồng cũng như theo học các lớp đặc biệt nhằm xây dựng hình ảnh tương lai gồm giáo dục giới tính, phương thức lãnh đạo, nhận thức về chất kích thích, kiểm soát tâm trí, đào tạo về các phép xã giao… tất cả đều được đi kèm với liệu pháp tâm lý.”
Nghệ sĩ Kpop hội tụ nhiều kỹ năng đẳng cấp, chẳng hạn như kỹ năng vũ đạo hoàn hảo. Họ có thể tỏa sáng cả khi xuất hiện bên cạnh các nghệ sĩ phương Tây. Suh Hwang Wook – một trong các giám đốc điều hành Google cho biết: “Giai điệu dễ nhớ, ngoại hình và vũ đạo độc đáo, phong cách âm nhạc khác với nhiều nước nhưng vẫn dễ dàng liên kết là khía cạnh tích cực lớn nhất của Kpop.” Kwon Oh Suk – giám đốc phụ trách nội dung của đài KBS cho rằng: “Sự kết hợp vẻ ngoài độc đáo cùng việc khai thác những nét đặc trưng, thế mạnh riêng của từng thần tượng Kpop là những yếu tố chủ chốt giúp thu hút fan hâm mộ một cách đa dạng giống như sự đa dạng của các nhóm nhạc.”
Ngoài ra, để thâm nhập và vươn ra thế giới thì các nghệ sĩ bắt buộc phải thành thạo ngoại ngữ. Tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Trung là những ngôn ngữ cơ bản nhất, và hiện nay là thêm tiếng Pháp và Tây Ban Nha. Sở hữu sự hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ của nước sở tại đã trở thành yếu tố chiến lược khi “mang chuông đi đánh xứ người”. Dù vậy khi biểu diễn tại quê nhà thì họ vẫn chỉ sử dụng duy nhất tiếng mẹ đẻ. Điều này còn được thấy rõ trong hầu hết các hoạt động âm nhạc của Hàn Quốc. Họ luôn ý thức tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này có vẻ hơi khác so với nước ta khi rất nhiều chương trình thi hát trên truyền hình gần như đã trở thành một cuộc thi hát tiếng Anh. The Voice – Giọng hát Việt là một ví dụ.
“Chiêu trò” ra mắt, lăng xê đa dạng
Ở Hàn Quốc, mỗi một ca sĩ, nhóm nhạc được ra mắt theo một cách thức riêng. Điển hình là sự ra mắt của TVXQ và Girls’ Generation hoàn toàn khác nhau ngay từ ban đầu. Một bên (TVXQ) ra mắt tại Nhật Bản khi ghi dấu ấn đậm nét cùng sự yêu mến cuồng nhiệt tại quê nhà. Một bên (Girls’Generation) lại “dọn đường” cho việc đổ bộ Nhật Bản thông qua việc phát hành các ca khúc tại Hàn Quốc như một cách để gây ấn tượng với các fan tại nơi họ đã nổi tiếng rồi sau đó “đến thăm” các fan đã trông đợi họ từ lâu.
Bên cạnh đó, việc phát triển của các mạng xã hội như Twitter và me2day cũng góp phần vào phương pháp tiếp cận khán giả của các thần tượng mới. Hay việc “chiêu mộ” các nghệ sĩ nước ngoài như Nichkhun (2PM), Sandara Park (2NE1), Jia và Fei (Miss A), Victoria (F’(x)) cũng đóng một vai trò quan trọng cho việc “toàn cầu hóa Kpop”. Các công ty còn cho “gà” nhà mình lấn sân sang các lĩnh vực điện ảnh, MC… vì họ hoàn toàn có khả năng, khi được đào tạo thêm về diễn xuất ngay từ còn là các học viên. Ở Việt Nam cũng có trào lưu xây dựng hình ảnh “thần tượng đa năng” như nước bạn nhưng các ca sĩ “thần tượng” của chúng ta hoàn toàn không được đào tạo quy củ, bài bản nên việc lấn sân đều rất khiên cưỡng và gượng ép.
Từ cơn sốt Gangnam Style tưởng như là hiện tượng vô tiền khoáng hậu nhưng thật ra là rất hợp với quy luật, nhìn lại hầu hết quá trình đào tạo ca sĩ, nhóm nhạc Vpop hiện nay không khó để có thể thấy một sự tạp nham, ăn theo dạng “tay chơi nửa vời”, không muốn đổ chất xám nhưng lại muốn thu lợi to.
Dễ dàng nhất là việc nhái theo các MV, phong cách của các nghệ sĩ Hàn. Và được biện minh một cách hồn nhiên là “trùng hợp ngẫu nhiên”. Nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam có lẽ đã quá ngây thơ khi xem thường quyền lực của cư dân mạng. Cũng như xem thường khán giả khi cho rằng chẳng ai biết đó là đâu. Khán giả có thể làm nên một ngôi sao nhưng cũng có thể đưa họ trả về đúng vị trí nếu bị phát hiện là bị lừa, hay nhẹ nhàng hơn, là biết mình đang ăn một món ăn được làm bằng nguyên liệu kém chất lượng, chế biến cẩu thả và hoàn toàn vô trách nhiệm.
Không biết cơn sốt Gangnam Style có đánh thức được tự trọng nghề nghiệp của một số ngôi sao trẻ hiện nay của Vpop hay không? Nhưng có một điều chắc chắn là họ sẽ phải nhìn nhận lại vai trò của khán giả trong sự thành bại của chính họ. Thiếu sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, không tôn trọng khán giả thì chỉ có rước thiệt vào thân. Đáng tiếc là điều đó dường như lại chẳng mấy “xi nhê” gì với đa số các nghệ sĩ Vpop hiện nay vì họ chỉ cần… nổi, nổi bằng mọi giá, thế là đủ!
Thành Lê
(PTT)
Hiện chưa có phản hồi nào.