Ông quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Từng tham gia bộ đội, từng đánh trận Tây Bắc. Thời gian từ năm 1953 đến 1960, ông được cử đi học Y khoa tại Trường đại học Y khoa Sechenov (Matxcova – Liên Xô). Trong thời gian này, ông đã nghiên cứu bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Philatốp, Odessa, Liên Xô. Từ năm 1964, ông về Việt Nam và công tác Viện Mắt Trung ương, sau này tham gia giảng dạy và Chủ nhiệm Bộ môn Mắt tại Trường đại học Y Hà Nội. Ông là GS.TS Nguyễn Trọng Nhân – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, người đã 2 lần từ chối chức Bộ trưởng và tìm người thay thế mình khi bị “ép” làm Bộ trưởng.
Từ ông “da cam”
Có lẽ có rất nhiều suy nghĩ chung với tôi rằng: Khi mới gặp cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trọng Nhân, ấn tượng ban đầu chắc chắn sẽ “khó phai” với một phong cách chậm rãi, dễ gần gũi và cởi mở, thẳng thắn.
Ông đã 2 lần từ chối vị trị Bộ trưởng Bộ Y tế và khi vào vị trí này, ông đã nghĩ đến việc… xin từ chức. Chưa bao giờ nghĩ sẽ làm “quan”. Trước khi được cử lên làm Bộ trưởng Bộ Y tế, ông từng giữ vị trí Viện trưởng Viện Mắt Trung ương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam, Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam. Và dù ở vị trí nào đi nữa, ông cũng để lại những ấn tượng tốt đẹp và đậm chất con người, tính cách của “Nguyễn Trọng Nhân” trong vị trí ấy.
GS.TS Nguyễn Trọng Nhân là vị Bộ trưởng đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ (tháng 3/1994). Trong chuyến đi sang Mỹ, ông được cựu Tổng thống G.Bush (cha) mời gặp để bàn về vấn đề quan hệ hợp tác giữa 2 nước. Sau đó, năm 2000, khi sang thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton đã hủy nhiều cuộc gặp quan trọng khác để dành 15 phút gặp ông, lúc này ông không còn ở vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế nữa mà chỉ là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Biết thời gian ngắn ngủi 15 phút sẽ khó để nói được nhiều điều, ông đã viết sẵn một bức thư tâm huyết gửi ngài Tổng thống Hoa Kỳ.
Trân trọng những tâm huyết của người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton đã trả lời ông: “Cảm ơn bức thư đầy xúc động của Ngài, bày tỏ tâm huyết đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tôi xin chia sẻ với Ngài mối quan tâm lo lắng về những khó khăn, bệnh tật và tâm lý mà các nạn nhân đang phải đối mặt. Tôi đồng ý rằng, cần thiết phải làm cùng lúc nghiên cứu khoa học và nỗ lực trợ giúp nhân đạo của cả hai nước chúng ta. Tôi ca ngợi sự nghiệp khó khăn và sự cống hiến của Ngài trên cương vị là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”.
Cách đây tròn 25 năm, khi ông bắt đầu giữ vị trí Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (1987) ông hiểu rõ về nỗi đau mà các nạn nhân da cam/dioxin phải gánh chịu. Công việc trong Hội Chữ thập đỏ đã đưa ông đến gần hơn, hiểu hơn và lương tâm bắt buộc ông phải lên tiếng.
Đến chống tham nhũng
Nói về đóng góp trong công tác chuyên môn và danh hiệu thì với ông sẽ quá nhiều. Tuy không “ham” quyền cao, chức trọng nhưng ông lại là người lĩnh trọn các danh hiệu cao quý mà không phải ai cũng có và đạt được: Giáo sư, Tiến sĩ; Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động (1985), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2011) và nhiều huân, huy chuơng khác.
“Cơ duyên” lên làm Bộ trưởng với ông bắt đầu từ Đại hội VI – 1986, Đại hội có bước ngoặt lớn nhất của Việt Nam trong sự phát triển đất nước. Lúc này, ông là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương. “Tôi tham gia không phải để có chức vụ mà mong muốn từ ngành y tế có người đại diện trong Trung ương để nói lên nguyện vọng của ngành, để Trung ương hiểu rõ ngành y tế hơn, để y tế chăm lo sức khỏe cho người dân tốt hơn”, ông nói.
Tính cách và con người không ham quyền chức như ông thường rất thẳng tính. “Có gì là tôi nói toạc ra chứ không giữ lâu được. Thế nên khi ở vị trí này, tôi nói với nhiều anh em trong Bộ rằng, mình sẽ là Bộ trưởng ngắn hạn nhất so với các Bộ trưởng tiền nhiệm và cả sau này”. Và cũng không ai như ông, trong thời gian đương chức đã nghĩ và tìm người… thay thế mình.
Khi tại chức ông cũng đã có những việc làm được coi là “tiếng vang” lúc bấy giờ: Chống tham nhũng ngay trong ngành. Ông không thích nói nhiều về vấn đề này, nhưng trong quá trình viết bài tôi cũng đã gặp gỡ được một số người từng công tác cùng thời với ông để xác minh lại thông tin thì đấy là việc có thật. Và ở thời đó, việc này là một trong những sự kiện gây chú ý của dư luận.
Lúc ông về nhậm chức, Bộ Y tế đang có nhiều chuyện tham nhũng, ngay trong cơ quan bộ cũng như các cơ quan trực thuộc bộ. Đầu tiên là ông cho thanh tra Vụ Quản lý dược, sau đó phát hiện ra nhiều sai trái trong việc quản lý ở vụ này như: Việc nhập thuốc ồ ạt, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong việc cấp phép để làm tiền doanh nghiệp khiến rất nhiều đơn vị gửi thư từ than phiền… Ngay tức khắc, khi có kết quả chính thức, ông đã đình chỉ ngay người đứng đầu: Vụ trưởng.
Khi đã có toàn bộ kết quả thanh tra, ông chủ trì nhiều cuộc họp hội đồng kỷ luật để xử lý những cá nhân sai trái.
Khi giữ chức vụ “bất đắc dĩ” này được 3 năm, ông liền đề xuất xin nghỉ để về làm công tác chuyên môn ở Viện Mắt. Ông Đỗ Mười, lúc đó là Tổng Bí thư hỏi ông giới thiệu ai lên ở vị trí này? Ông đề xuất PGS Tôn Thất Bách, là người trẻ hơn, tuy không phải là một đảng viên nhưng là một người hăng hái, giỏi chuyên môn và công tác quản lý, đồng thời là người rất biết về ngành… làm Bộ trưởng. Nhưng cuối cùng, ông Tôn Thất Bách từ chối và ông Đỗ Nguyên Phương được cử làm Bộ trưởng.
“Tôi nói với ông Đỗ Mười rằng, từ kinh nghiệm thực tế, tôi thấy Bộ trưởng Bộ Y tế không cần phải là người làm chính trị mà cần một người danh tiếng, chuyên tâm với khoa học. Như thế dễ đàm phán với các nước để tranh thủ sự ủng hộ. Còn việc người đó có là đảng viên hay không thì từ thời Bác Hồ đã sử dụng những người không phải là đảng viên, nhưng là người tài rồi. Mặt khác, nếu đưa những người không phải là đảng viên vào giữ những chức vụ quan trọng của Chính phủ. Và ý kiến của tôi đã được Tổng Bí thư Đỗ Mười tán thành” – GS.TS Nhân chia sẻ.
Chia tay Giáo sư, chúng tôi nhớ mãi câu nói: Trong cuộc đời, không riêng gì tôi cả, mà hầu hết tất cả mọi người, nếu không tuyệt đối cũng là đa số, mỗi người đều có thể tự hào về một số việc mình đã làm được và ân hận về một số việc không làm được. Không ai làm được tất cả mọi thứ theo mong muốn…
Hà Long (Petrotimes)
Hiện chưa có phản hồi nào.