Tuần này, tướng Từ Tài Hậu, phó chủ tịch quân uỷ trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) vừa đưa ra lời phản đối chính thức với ông Panetta về việc Mỹ xem quần đảo Senkaku thuộc phạm vi hiệu lực của Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật.
Như Samurai trước giờ giao đấu
Ngày 20.9, theo các hãng tin quốc tế, TQ quyết định tăng thêm 11 tàu hải giám mở đường, sau đó điều hơn 1.000 tàu đánh cá tiến vào hải phận quần đảo mà Nhật gọi là Tiêm Các (tức Senkaku), còn TQ gọi là Điếu Ngư. Số lượng tàu này khiến các nhà phân tích liên tưởng tới “chiến thuật biển người khét tiếng” của Bắc Kinh. Với lực lượng hải quân hùng mạnh và hiện đại, Nhật kiên quyết bên trong nhưng trầm tĩnh bên ngoài, giống như phong cách của một Samurai kiếm đạo trước giờ giao đấu. Sự kiện này cũng khiến dư luận liên tưởng tới 23.000 tàu cá TQ vừa tràn ngập Biển Đông cách đây không lâu.
Căng thẳng được dự báo có thể tiếp tục gia tăng về diễn tiến cũng như về cường độ. TQ tuyên bố “một ly không dời”, còn Nhật thì sẵn sàng bảo vệ “từng tấc đất” của tổ quốc, vì thế, chắc chắn sự việc sẽ khó dừng ở đây. Tuy nhiên, chiếc bánh này không dễ nuốt đối với những kẻ chủ trương “nhào nặn ra” nó. Một chu kỳ hành động – phản hành động theo xu hướng tiêu cực đang diễn ra trên các vùng biển trong khu vực. Ngay giờ đây cũng có thể thấy yêu sách và tham vọng, hành vi và năng lực của TQ từ trước đến nay vượt xa so với các bên tranh chấp khác.
Theo đánh giá mới đây của bà Bonnie Glaser, chuyên gia cấp cao tại viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS), hành động của TQ trên biển Hoa Đông cũng như Biển Đông hiện nay là có chủ ý và mang tính hệ thống. Các hành động này cho thấy sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan kiểm soát dân sự và quốc phòng, sự hài hoà giữa các mục tiêu chính trị, kinh tế và quân sự. Cách hành xử ngang ngược và đe doạ các bên yêu sách khác là bằng chứng về quyết định đẩy mạnh “ngoại giao uy hiếp” từ các nhà lãnh đạo cấp cao TQ. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ Nhật – Trung, mà còn tác động đến cả những đối tượng thường bị TQ bắt nạt.
Lập trường hai mặt của Trung Quốc
Tại cuộc gặp cấp nguyên thủ Việt – Trung bên lề APEC-20 mới đây, lãnh đạo hai nước vừa cam kết làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến bang giao hai nước. Tuy nhiên, ngày 20.9, theo IANS (Indo-Asian News Service), tổng công ty dầu khí Hải dương (CNOOC) lại đẩy mạnh việc mời thầu quốc tế khai thác dầu khí ở 26 lô trên Biển Ðông. Hành động này cho thấy Bắc Kinh nói một đằng làm một nẻo. Tờ Nhân dân Nhật báo còn răn đe, trong nỗ lực giải quyết với các bên tranh chấp, Bắc Kinh luôn giữ vững nguyên tắc “TQ có chủ quyền”, có điều nguyên tắc này “bị các nước tranh chấp hiểu khác đi”(?)
Ngày 19.9, cũng theo truyền thông TQ, sở Công thương tỉnh Hải Nam đã cấp phép cho ra đời một cách phi pháp hai doanh nghiệp tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa, Đà Nẵng (Việt Nam). Động thái leo thang mới này nhằm chuẩn bị tiền đề cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, đặc biệt là du lịch, ngư nghiệp tại Hoàng Sa. Hành động này đương nhiên sẽ làm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Trong một diễn biến liên quan bên lề khoá 67 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, chúng ta vẫn chưa có thông tin về cuộc họp ASEAN – TQ. Dự kiến, Indonesia cố gắng tổ chức một cuộc đối thoại giữa các thành viên ASEAN với TQ để bàn cách tháo gỡ tranh chấp trên Biển Đông. Jakarta cho biết nước này mong muốn nối lại các cuộc đàm phán để xây dựng bộ Quy tắc ứng xử (COC) vốn bị đình trệ lâu nay do chờ đợi “các điều kiện đã chín muồi” mà TQ yêu cầu.
Ngày 18.9, GS Carlyle Thayer từ học viện Quốc phòng Úc ghi nhận việc mới đây, TQ vừa công bố đường cơ sở lãnh hải cho quần đảo Điếu Ngư. Theo ông Thayer, tại sao TQ không tuyên bố đường cơ sở đối với các hòn đảo họ đòi chủ quyền ở Biển Đông, trong khi lại làm như vậy với Điếu Ngư? Và ông giải thích, vì Bắc Kinh có “lập trường nước đôi” đối với các yêu sách chủ quyền. TQ tuyên bố chủ quyền với tất cả hòn đảo và vùng biển xung quanh, đồng thời cũng tuyên bố có “chủ quyền lịch sử” đối với vùng biển tạo nên bởi đường lưỡi bò. Xem ra, TQ đang “chịu trận” về khía cạnh chiến lược và ngoại giao trong vấn đề Biển Đông. Bởi vì khó có quốc gia nào lại ủng hộ “lập trường hai mặt” cũng như lối hành xử “lấy thịt đè người” như vậy của TQ. Trong một bài viết gần đây, viện trưởng viện Nghiên cứu Đông Á (Singapore) Trịnh Vĩnh Niên đã kết luận như vậy.
TRẦN HIẾU CHÂN (SGTT)
Đúng là TQ.nói 1 đằng làm 1 nẻo.cái gì cũng muốn bản quyền.tức ghê