• Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra | 27/10/2012
  • ASEM 9: “Bạn bè vì hòa bình, Đối tác vì thịnh vượng” | 27/10/2012
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ngài Michel Sapin | 26/10/2012

Việc Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith có chuyến thăm đến Việt Nam vừa qua cho thấy rõ tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á nói riêng cũng như Việt Nam nói chung trong mối quan tâm địa chính trị của Canberra.

Như ông Smith đã nhấn mạnh: Việt Nam đang chứng tỏ là nước có ảnh hưởng lớn trong khối ASEAN và trong lúc Việt Nam tiếp tục phát triển, Australia hoan nghênh việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò lớn hơn đóng góp cho an ninh-ổn định trong khu vực.

Câu hỏi được đặt ra là: vấn đề Biển Đông đứng ở đâu trên bàn cờ lợi ích quốc gia của nước Australia? Có thể nói, những động thái sắp đến của chính quyền Canberra đối với vấn đề Biển Đông sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến vị thế chính trị của quốc gia này nhiều hơn là những khía cạnh kinh tế. Cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông chính là phép thử đối với tiếng nói của một cường quốc tầm trung trong khu vực; cũng như khẳng định vị trí của mình trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung trên Thái Bình Dương.

Đại tướng Phùng Quang Thanh trao quà lưu niệm tặng Bộ trưởng Stephen Smith

Đại tướng Phùng Quang Thanh trao quà lưu niệm tặng Bộ trưởng Stephen Smith

Biển Đông – mối quan tâm chiến lược

Australia đã từ lâu mong muốn trở thành một thành viên của Châu Á. Dù thống lĩnh ở châu Đại dương thời gian dài,  nhưng xung quanh là những quốc đảo bé nhỏ với dân số chỉ khoảng vài trăm cho đến vài chục ngàn người, Australia thật sự “cô đơn” – cả về ý chí và sức mạnh.

Hướng về châu Á chính là mục tiêu ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Australia. Các chính phủ Australia cố gắng theo đuổi chính sách này trong thời gian dài, nhưng kết quả cho đến nay còn tương đối hạn chế. Thời điểm hiện tại rất thuận lợi cho Australia, khi đồng minh lớn nhất và lâu năm là Hoa Kỳ đang thực hiện chính sách xoay trục hướng về châu Á – Thái Bình Dương.

Australia hiện đang đứng ở ngã ba đường giữa hai ông lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc khi vừa là đồng minh chiến lược của Mỹ, vừa là đối tác của quan hệ thương mại trị giá hơn 100 tỉ USD hàng năm với Trung Quốc, và cho đến gần đây, họ hầu như luôn luôn giữ thái độ trung lập trong các xung đột giữa hai cường quốc này ở Thái Bình Dương.

Trong thời điểm hiện tại, Australia vẫn đang là một đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ tại châu Á. Chỉ mới gần đây, vào ngày 28/3, Mỹ và Australia đã kí kết chiến lược hợp tác quốc phòng mới nhất về việc triển khai máy báy do thám ở những vùng biển châu Á từ quần đảo Cocos trên Ấn Độ Dương. Theo thỏa thuận Mỹ và Australia đã ký kết vào tháng 11/2011, Mỹ sẽ đưa 2.500 quân và nhiều máy bay đến Darwin để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Washington và Canberra cũng đã đạt được thỏa thuận cho phép không lực Mỹ tiếp cận các căn cứ ở miền bắc nước Australia một cách dễ dàng hơn.

Trong khi đó về phía Trung Quốc, một lần nữa kinh tế lại đóng vai trò là sợi dây kết nối giữa Bắc Kinh và Canberra.  Cuối 2007, Trung Quốc thế chỗ Nhật Bản, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Australia và đến 2009, vươn lên là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này. Cho đến thời điểm này, Trung Quốc và Australia vẫn đang tiến hành đàm phán về hiệp định thương mại tự do triệt để (kéo dài từ 2005). Cả hai đều khá lạc quan trong vấn đề này.

Tuy nhiên, cùng với sự trở lại của Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Canberra cũng đồng thời tái khẳng định lập trường “thân Mỹ”: Trung Quốc chỉ đơn thuần là đối tác thương mại, trong khi Australia đã và sẽ luôn là đồng minh thân cận, là tiền đồn đáng tin cậy của Hoa Kỳ tại khu vực.

Trong bài phát biểu tại Shangri-La 2012, Bộ trưởng quốc phòng Australia – ông Stephen Smith đã bày tỏ quan điểm rằng sự hiện diện của Mỹ sẽ đảm bảo những lợi cốt lõi của Australia trong khu vực. “Hoa Kỳ đã có những ảnh hưởng tích cực đến sự ổn định của khu vực và sẽ tiếp tục là một chủ thể quan trọng trong tương lai”, ông phát biểu: “Mối quan hệ đồng minh Australia – Hoa Kỳ là không thể phá vỡ, là nhân tố lâu dài trong những chiến lược và an ninh của quốc gia”.

Bên cạnh vị trí của mình trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung tại Thái Bình Dương, Australia cũng cần khẳng định và củng cố vị trí của mình – một trung cường, một đầu tàu của khu vực cũng như một đối tác đáng tin cậy. Cùng với chính sách “Hướng về châu Á” của mình và nỗ lực hội nhập, Chính quyền Canberra cần đặc biệt quan tâm đến việc tham dự vào các vấn đề mang tính chiến lược của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Qua đó, Australia sẽ khẳng định được tiếng nói của mình trong khu vực, khẳng định vai trò của mình ở Châu Á không chỉ trong hợp tác kinh tế, mà còn ở phương diện chính trị.

Quá trình khẳng định vị thế của quốc gia này sẽ khởi đầu từ khu vực Đông Nam Á, cùng với việc tham gia giải quyết những vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Quan trọng hơn cả chính là gây dựng lòng tin đối với các nước ASEAN, khu vực địa lý gần với Australia nhất.

Australia – Việt: Mối quan hệ tương hỗ

Đối với Việt Nam, chuyến thăm của Bộ trưởng Stephen Smith lần này đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ quốc phòng hai nước. Australia sẽ giúp đào tạo 80 nhân viên quân sự để họ có thể tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam trong tương lai.  Các tàu chiến Australia sẽ thường xuyên ghé thăm mà tiêu biểu sẽ là việc tàu HMAS Sydney thăm Việt Nam vào tháng 10 này.

Bên cạnh đó, Australia cũng sẽ là một nhân tố cực kỳ quan trọng giúp chúng ta tạo được một thế đa phương ổn định tại biển Đông, hạn chế sự nóng nảy thiếu kiềm chế của Trung Quốc trong bối cảnh các cường quốc khác như Mỹ và Ấn Độ cũng đang hướng về châu Á.

Mối quan hệ giữa hai bên có thể nói là cùng có lợi, mỗi bên đều thỏa mãn được lợi ích của mình. Trong khi đó, với khoảng cách địa lý xa xôi, và công nghệ có hạn, Bắc Kinh chưa thể đe dọa đến Australia trong hiện tại. Lực lượng quân sự của Australia đang được đầu tư mạnh mẽ, với việc chi 70 tỷ USD nhằm hiện đại hóa quân đội cho đên năm 2030. Mục tiêu nhằm đối trọng với ai hầu như đã rõ.

NGUYỄN THẾ PHƯƠNG – LÊ THÀNH (TUẦN VIỆT NAM)


Mạng chia sẻ:

Hiện chưa có phản hồi nào.

Gửi phản hồi

  • Tổng bí thư

    Nguyễn Phú Trọng

  • Chủ tịch nước

    Trương Tấn Sang

  • Chủ tịch Quốc hội

    Nguyễn Sinh Hùng

  • Biển đảo Việt Nam

    Trường sa - Hoàng sa