• Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dâng hương mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc | 16/07/2011
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại tỉnh Đồng Tháp | 16/07/2011
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN phải làm tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm | 16/07/2011
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự kỷ niệm 30 năm thành lập Vietsovpetro | 15/07/2011
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng » Chính trị » Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tham nhũng được phòng, chống quyết tâm cao của Đảng và Chính phủ

Trả lời chung về các vấn đề có liên quan đến cuộc đấu tranh chống tham nhũng, hôm 26/11, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việc thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kỳ họp Quốc hội lần này thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Chính phủ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng”.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Vi Đức Được chất vấn thành viên Chính phủ

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận: “Nhìn chung tham nhũng chưa bị đẩy lùi, nạn tham nhũng còn rất nghiêm trọng”. Ngoài những giải pháp chống tham nhũng vẫn đang được thực hiện, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Một vấn đề nữa là phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng; trong đó đặc biệt là cấp cơ sở Đảng. Làm sao để tổ chức cơ sở Đảng thực sự đủ sức và tự mình phát hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngay trong đơn vị mình. Tôi thấy điều này rất ít và gần như chưa có”.

Đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề: “Các bộ trưởng hứa rất nhiều mà khắc phục không được bao nhiêu. Toàn những lời hứa đi hứa lại và tôi sợ rằng những quyết tâm của Chính phủ trong việc chống tham nhũng cũng rơi vào tình trạng ấy. Tôi muốn đề nghị Chính phủ cũng như các quan chức cao cấp khi nhận nhiệm vụ nên có lời tuyên thệ trước nhân dân, nó có chất lượng cao hơn rất nhiều so với lời hứa, giống như việc nâng từ pháp lệnh lên thành luật vậy”. Trả lời đề nghị này, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Tôi chưa suy nghĩ về điều này. Nếu Quốc hội quyết định thì chúng tôi ủng hộ, chúng tôi sẽ làm theo luật”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) chất vấn: “Quan hệ giữa Bộ với Bộ trong Chính phủ chưa đủ và chính chỗ này làm thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tôi cũng như cử tri cả nước rất bức xúc là tại sao và cần phải làm gì để sự phối hợp liên ngành trong Chính phủ tốt hơn. Tôi muốn hỏi Phó thủ tướng, tại sao sự phối hợp liên ngành trong Chính phủ quá kém như vậy?”. Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Việc phối hợp giữa các bộ cũng đã có một bước tiến dài, tôi xin khẳng định điều đó. Vấn đề ở đây là phải xác định rõ những vấn đề phải phối hợp, xác định rõ rồi thì xây dựng quy chế phối hợp, trách nhiệm trong việc phối hợp sẽ tăng cường hiệu quả hơn”.

Bộ trưởng Đào Đình Bình: “Tôi là một ủy viên Trung ương Đảng…”

Sáng 26/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông – vận tải (GTVT) Đào Đình Bình trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Hà Nội) chất vấn về “trách nhiệm của Bộ GTVT trong việc để xảy ra tình trạng nợ lương đối với hàng chục nghìn người lao động trong ngành, hơn 3.000 người ốm đau, nghỉ chế độ không được thanh toán, tình trạng thua lỗ, tiêu cực trong ngành…”. Ông Bình cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo họp, kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm và xử lý. Trong 2 năm vừa qua, các đơn vị trong ngành đã xử lý kỷ luật 24 đồng chí, cho thôi giữ chức lãnh đạo 40 đồng chí. Tuy nhiên, đây là một công việc rất phức tạp vì đã tồn tại từ nhiều năm nay, hết đời giám đốc này đến đời giám đốc khác và có những vấn đề khách quan”. Ông Bình đưa ra cam kết: “Chúng tôi cần 3 năm, từ 2005-2007, để giải quyết những vấn đề này”.

Không hài lòng với cam kết của Bộ trưởng Bộ GTVT, đại biểu Cường bức xúc nói: “Hiện nay, vấn đề cơ bản là Bộ đang quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp này; còn đương nhiên là 3-4 năm nữa thì tất cả các bộ, ngành (theo Luật Doanh nghiệp) không còn quản lý trực tiếp nữa. Vì thế lộ trình tới năm 2007 là quá muộn, không lẽ chúng ta để tình trạng như thế này?”. Phó chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh đỡ lời: “Có lẽ vấn đề này cũng đã rõ. Trách nhiệm của Bộ chủ quản và trách nhiệm của Bộ trưởng là đôn đốc, kiểm tra, còn chủ yếu là của lãnh đạo các doanh nghiệp. Xin phép đại biểu Cường cho chuyển sang vấn đề khác !”.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông) nêu câu hỏi về “20 bài báo nói về những tiêu cực, bất cập của ngành GTVT và về trách nhiệm của Bộ trưởng trên Báo Văn nghệ và Văn nghệ trẻ”. Ông Dũng đặt vấn đề: các thông tin đó đúng hay sai, nếu sai “vì sao Bộ trưởng không trả lời công khai trên Báo Văn nghệ và yêu cầu phải đăng lời cải chính?”. Bộ trưởng Đào Đình Bình lảng tránh: “Tôi là một cán bộ Ủy viên Trung ương Đảng và thuộc diện quản lý của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Tất cả những vấn đề báo chí nêu đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng xem xét và kết luận. Chúng tôi muốn nói rằng, chúng tôi thực hiện theo đúng các quy định ở trong Đảng”.

H.L

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Hiện: Không có việc chùn tay do sợ bồi thường

Đại biểu Đặng Văn Oanh (Nghệ An) hỏi Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện: “Ở một số địa phương có nhiều vụ án hình sự mà tòa sơ thẩm tuyên không phạm tội. Sau đó viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị, khi xét xử tòa phúc thẩm tuyên có tội, thậm chí có tội đến 8 năm. Đây có phải là hiện tượng chùn tay khi Nghị quyết 388 (của Ủy ban Thường vụ QH về bồi thường cho công dân bị oan sai do cơ quan tư pháp gây ra – TN) ra đời hay không ?”. Ông Nguyễn Văn Hiện nói: “Có một số trường hợp cơ quan điều tra kết luận là có tội, chuyển cho viện kiểm sát để truy tố theo hướng có tội nhưng khi xét xử thì tòa án cấp sơ thẩm lại kết luận là vô tội. Việc đó khi kháng cáo, kháng nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cấp trên, lại xác định là có tội. Chúng tôi nghĩ số vụ này diễn ra theo trình tự quy định của pháp luật. Việc chứng minh người ta có chùn tay mà sợ hay không là một việc khác”. Ông Hiện nói thêm: “Qua sơ kết ban đầu của các ngành chức năng như Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì trong thực tế chưa phát hiện ra trường hợp nào chứng minh được là do anh chùn tay mà bỏ lọt tội phạm”.

Trả lời chất vấn về việc giải quyết những vụ án phức tạp kéo dài nhưng Tòa án nhân dân tối cao lại phê “không có cơ sở để kháng nghị”, Chánh án Nguyễn Văn Hiện nói: “Các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa có chiều hướng giảm. Mỗi năm, riêng tòa án tối cao nhận được trên dưới 10.000 đơn”. Ông Hiện nêu ra một thực trạng: “Với quy định như hiện nay thì số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ không thể giảm được vì gửi đơn này người ta không mất gì cả và thậm chí còn dễ hơn cả kháng cáo. Vì thế, trong những vụ án dân sự tranh chấp nhà đất, khi không muốn thi hành án, người ta cứ gửi đơn giám đốc thẩm, tái thẩm”.


Xem thêm: Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thẻ:Bộ trưởng, Chính Phủ, Luật, Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng, Quốc hội, tham nhũng, tòa án nhân dân tối cao, viện kiểm sát, đại biểu

Các bài viết liên quan:

    Hiện chưa có phản hồi nào.