Yêu cầu cấp thiết của mọi người dân Việt Nam là phải “bảo đảm quản lý an toàn và khai thác hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân” sẽ được xây dựng.
Trong những năm qua, trong quá trình triển khai chương trình năng lượng nguyên tử, Việt Nam đã ký các hiệp định hợp tác hạt nhân song phương với Nga, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Argentina … Và, do vậy, mỗi nước đều có những lý do riêng để hy vọng giành được cơ hội đầu tư công nghệ hạt nhân vào Việt Nam.
Bỗng các tập đoàn điện hạt nhân của Nga và Nhật được trở thành các nhà cung cấp và xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) đầu tiên của Việt Nam. Họ được lựa chọn, hay theo từ chuyên môn là được chỉ định “thầu”.
Nga hiện có 10 nhà máy điện hạt nhân
Nga được chọn xây dựng NMĐHN số 1
Câu hỏi từng đặt ra trong công luận là nước nào sẽ được lựa chọn xây dựng NMĐHN đầu tiên. Và “vận may” thực sự đã rơi vào nước Nga. Giải thích lý do cho sự lựa chọn này, theo ông Phan Minh Tuấn – Trưởng ban Chuẩn bị đầu tư dự án Điện hạt nhân và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), là “do Nga sở hữu công nghệ nguồn và bề dầy kinh nghiệm về điện hạt nhân”. Còn theo ông Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Vương Hữu Tấn, thì “việc lựa chọn Nga là bài toán được xem xét trong một thời gian dài. Công nghệ ĐHN của Nga là an toàn bậc nhất hiện nay. Và Nga cũng cam kết giúp chúng ta xử lý toàn bộ chất thải hạt nhân”.
Dĩ nhiên, dù không nói rõ nhưng chắc ai cũng biết, điều kiện kinh tế (ưu đãi về giá cả, và phương thức thanh toán…) và những cân nhắc khác về lợi ích chiến lược quốc gia hẳn cũng là tiền đề quan trọng trong bài toán chọn lựa.
Và bài toán đã nhanh chóng có những lời giải cụ thể. Vừa mới đây, ngày 31/10/2010, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Medvedev, một loạt các văn kiện hợp tác giữa hai bên đã được ký kết, trong đó có các hiệp định về xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hợp tác năng lượng, thỏa thuận về quản lý an toàn hạt nhân và bức xạ…
Hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết một loạt văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Việt Nam ký với đối tác Nga bản hiệp định “về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam”.
Tiếp theo là thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực pháp quy an toàn hạt nhân và bức xạ trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đã được ký kết giữa lãnh đạo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Việt Nam và Cơ quan Liên bang về giám sát môi trường, công nghiệp và hạt nhân LB Nga. Một thỏa thuận khác nữa cũng được ký kết giữa ba bên – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nga (Rosatom) và Nhóm A4 của Nga – nhằm thiết lập sự hợp tác nghiên cứu luận chứng kinh tế kỹ thuật dự án xây dựng NMĐHN tại Việt Nam.
Cũng không thể thiếu được một văn bản pháp lý về mặt tài chính. Bản thoả thuận hợp tác về việc thành lập Quỹ đầu tư Việt – Nga cuối cùng đã được ký giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương LB Nga.
Như vậy, ưu tiên cung cấp công nghệ và xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 1 của Việt Nam gồm 2 tổ máy (hay 2 lò phản ứng) đã vào tay các nhà công nghiệp hạt nhân Nga bằng sự chỉ định, không phải qua một thủ tục đấu thầu quốc tế như thông lệ.
Một nhà máy điện hạt nhân của Nhật
Nhật “thắng” với NMĐHN thứ 2
Sự lựa chọn các nhà thầu Nhật cung cấp và xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai cũng khá bất ngờ với nhiều người. Đối với người viết bài này cũng vậy, dù nhận được thông tin rất sớm. Đầu tháng 3/2010, ở Hội nghị quốc tế về Hạt nhân dân sự Paris, anh bạn đồng nghiệp Nhật đã rỉ tai cho biết: “Hôm qua, Thủ tướng nước tôi vừa gửi thư riêng cho Thủ tướng của bạn đề nghị cung cấp NMĐHN cho Việt Nam”.
Sau bức thư tiết lộ nói trên chỉ một tháng, trong dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở Washington, Thủ tướng Nhật bản Yukio Hatoyama đã gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và trong buổi gặp đó, như báo chí đưa tin, ông Hatoyama đã cám ơn Thủ tướng VN vì đã phúc đáp nhanh chóng lá thư riêng, đồng thời đặt vấn đề trực tiếp và thẳng thắn với người đồng cấp: Chính phủ Nhật bản muốn ủng hộ toàn diện VN, sẵn sàng hợp tác với VN đưa ĐHN vào VN, và hy vọng Thủ tướng VN sớm chọn Nhật bản làm đối tác xây dựng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đáp lại: “Tôi đánh giá cao công nghệ và thực tiễn an toàn của Nhật bản” và “sẽ nghiêm túc xem xét đề xuất của phía Nhật bản”.
Rồi chỉ 6 tháng sau, sáng ngày 31/10/2010, ở Hà Nội, trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức thông báo: Thay mặt Chính phủ VN tôi xin báo Ngài biết rằng, Việt Nam đã quyết định chọn Nhật Bản là đối tác hợp tác và giúp Việt Nam thực hiện xây dựng NMĐHN số 2. Đồng thời, nhấn mạnh: Nhật là “đối tác hợp tác lâu dài cùng có lợi trong công cuộc điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam”. Đáp lại, TT Nhật lập tức tuyên bố: Hoan nghênh Việt Nam quyết định chọn Nhật Bản là đối tác hợp tác hai lĩnh vực mang tầm chiến lược – điện hạt nhân và đất hiếm.
Như vậy, vấn đề điện hạt nhân đã gắn với vấn đề đất hiếm, và cả những ưu đãi khác trong chuyển giao công nghệ và thương mại.
Về điện hạt nhân, Ông Naoto Kan khẳng định: Nhật Bản sẽ đáp ứng các điều kiện mà Việt Nam đưa ra, như hỗ trợ nghiên cứu khả thi dự án, cho vay vốn ưu đãi lãi suất thấp cho dự án, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất và an toàn ở mức cao nhất, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác xử lý chất thải, cung cấp nhiên liệu ổn định trong toàn bộ thời gian dự án.
Với “đất hiếm”, TT Nhật Bản cho rằng, thông qua các biện pháp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ phía Nhật Bản, việc hợp tác lâu dài trong ngành công nghiệp khai thác đất hiếm của hai nước sẽ tiến triển tốt đẹp.
Như vậy, hai nước Nhật Việt đã đi đến những thoả thuận cụ thể. Theo nhịp độ này, việc ký kết các văn bản thoả thuận chi tiết về chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, tài chính v.v…, tương tự VN đã ký với Nga, chỉ còn là vấn đề thời gian, và chắc sẽ không phải chờ đợi quá lâu.
Lúc này đã rõ ràng, trong lộ trình 20 năm xây dựng ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam đối tác xây dựng cho Việt Nam hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đã được khẳng định. Từ nay đến năm 2022, trên đất nước ta dự định sẽ xây dựng 4 tổ máy hay 4 lò phản ứng, với 2 lò phản ứng đầu trong số 4 lò của NMĐHN thứ nhất sẽ là công nghệ Nga và 2 lò phản ứng đầu trong số 4 lò của NMĐHN thứ hai sẽ là công nghệ Nhật (như nhiều người am hiểu chuyên môn đã biết , thực chất là theo công nghệ Mỹ).
Tóm lại, bốn tổ máy cho hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của ngành công nghiệp điện hat nhân non trẻ của Việt Nam đã được chọn giao cho hai nước Nga và Nhật. Trong hoàn cảnh lịch sử nhất định của đất nước, với những cân nhắc tối ưu như nói ở trên, một ngoại lệ không qua đấu thầu như vậy là có thể hiểu được.
Tuy vậy, việc bỏ qua khâu đấu thầu quốc tế chặt chẽ đòi hỏi trách nhiệm của các cấp quản lý, các nhà quản lý và đội ngũ cán bộ thực thi dự án NMĐHN càng phải được đề cao, đặc biệt trong khâu kiểm tra, tiếp nhận công nghê, thiết bị và vận hành khai thác nhà máy…
Yêu cầu bức thiết và đòi hỏi chính đáng của mỗi người dân Việt Nam là phải “bảo đảm quản lý an toàn và khai thác hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân” sẽ được xây dựng. Với công nghệ hiện đại và phức tạp, nhà máy điện hạt nhân tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sự an toàn sức khoẻ và tính mạng của hàng triệu con người.
-
Trần Thanh Minh
Hiện chưa có phản hồi nào.